Đa dạng vở diễn
Nhận định về sân khấu kịch nói và cải lương Tết năm nay, NSƯT Ca Lê Hồng, thành viên Hội đồng nghệ thuật thành phố, cho rằng, năm nay sân khấu có sự sôi động hơn hẳn với sự xuất hiện của nhiều đơn vị nghệ thuật mới. “Thường mọi năm, đề tài sân khấu mùa tết hướng đến màu sắc tươi vui, đậm tính giải trí. Tuy nhiên, năm nay, nội dung các tác phẩm đi vào cuộc sống hàng ngày, phản ánh tâm tư tình cảm con người, tôn vinh giá trị gia đình, tình bạn, tình yêu đôi lứa…”, NSƯT Ca Lê Hồng nhận xét.
Sôi động nhất là các sân khấu kịch, trong đó Nhà hát Idecaf đã đầu tư dựng các vở hài Cái gì vui vẻ thì mình… ưu tiên, Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài ngoại truyện (diễn tại sân khấu Idecaf), Tung hoành Pattaya (diễn tại Nhà hát Thanh Niên, Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM); sân khấu Hoàng Thái Thanh dồn lực thực hiện một vở duy nhất Tóc mai sợi vắn sợi dài; sân khấu Thế Giới Trẻ đầu tư 4 vở: Anh trai say ai, Đại náo thành Bombay, Ông già đoàn lô tô, Căn nhà ma quái; sân khấu Hồng Vân dựng các vở: Ngũ hành bí ẩn, Thân sâu hồn bướm, Căn phòng câm lặng; sân khấu Thiên Đăng dựng vở 13 Đức thầy; sân khấu Minh Nhí dựng vở Cầu dừa đủ xài; sân khấu Quốc Thảo có Hành tinh nâu… Ngoài ra, còn có các vở dành cho thiếu nhi, như Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ dựng vở kịch dân gian Cây bút thần, sân khấu Ban Mai có nhạc kịch Tết ơi tết à…
Mùa Tết này, sân khấu cải lương có nhiều vở mới phục vụ khán giả mộ điệu: Tiếng hò sông Hậu, Đời cô Lựu của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang; Văn võ kỳ duyên của Sân khấu Chí Linh - Vân Hà; Nhị hồ điệp - Hiệp nhất hoa của Đoàn cải lương Đồng Ấu Bạch Long; Tân mai trắng xe duyên của Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long; Tứ hỉ lâm môn của Công ty Thiên Long… Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam dịp này giới thiệu cùng lúc hai vở múa rối nước Huyền sử Yết Kiêu, Giấc mơ nàng tiên cá và vở xiếc đặc sắc Vùng đất kỳ bí…
Lý giải cho việc đến gần sát tết các đoàn mới hoàn tất vở diễn, chị An Thi, Giám đốc Công ty Sài Gòn Phẳng - Sân khấu Thế Giới Trẻ, cho biết: “Sân khấu thành phố năm 2024 rất sôi động, dẫn đến việc phải đến cuối năm diễn viên mới xếp được lịch tập các vở mới. Sân khấu chúng tôi dịp này thực hiện cùng lúc 4 vở với các màu sắc khác nhau nên áp lực càng lớn”.
Nỗ lực tìm hướng đi riêng
Năm 2024 được đánh giá là năm thành công của sân khấu TPHCM. Tuy nhiên, đằng sau sự thành công này cũng ẩn chứa nhiều vấn đề khó khăn. Số lượng vở diễn tăng dẫn đến thiếu hụt kịch bản, nhất là kịch bản có chất lượng tốt; lực lượng diễn viên, nghệ sĩ có giới hạn, phải “chạy sô” nhiều nơi cùng lúc, ảnh hưởng đến kế hoạch tổ chức và biểu diễn ở các sân khấu; sự xuất hiện của nhiều đơn vị nghệ thuật tư nhân đã tạo nên sự cạnh tranh mạnh giữa các sân khấu…
Trong bối cảnh đó, mỗi sân khấu đều nỗ lực tìm cho mình một hướng đi riêng. NSND Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B, cho hay: “Trong năm 2025, sân khấu sẽ đẩy mạnh hai mảng đề tài chính là kịch cách mạng và thiếu nhi. Với đề tài cách mạng, chúng tôi ưu tiên vào vở Đồng chí, hiện đã lên kế hoạch biểu diễn trong 3 năm. Tiếp theo là dự án nghệ thuật cách mạng Chạm, được định hướng làm sân khấu thể nghiệm, dành cho các diễn viên, đạo diễn, tác giả trẻ. Về kịch thiếu nhi, sau Cây bút thần khai thác đề tài văn hóa dân gian, sắp tới chúng tôi sẽ làm tiếp kịch đề tài lịch sử dành cho thiếu nhi”.
Sân khấu Thế Giới Trẻ lại chọn thực hiện nhạc kịch - thể loại biểu diễn khá kén khán giả. Theo chị An Thi, Công ty Sài Gòn Phẳng - Sân khấu Thế Giới Trẻ sẽ dàn dựng cùng lúc hai vở nhạc kịch cổ điển và hiện đại. Đề tài hiện đại hiện đã chọn được kịch bản của Khắc Duy, vở cổ điển đang trong quá trình tìm kiếm đạo diễn.
Dự đoán tình hình sân khấu 2025, ông “bầu” Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Nhà hát Idecaf, cho biết: “Tình hình bán vé của các đơn vị năm nay đều ổn, là tín hiệu vui cho người làm nghề. Tuy nhiên, sau Tết, từ rằm tháng Giêng trở đi mới là quãng thời gian để có những dự đoán về tình hình sân khấu trong năm, từ đó các đơn vị có hướng đầu tư phù hợp. Riêng Nhà hát Idecaf đang hoàn thiện kịch bản vở nhạc kịch quy mô Những cô gái Sài Gòn (Miss Sài Gòn), ca ngợi người phụ nữ Sài Gòn - TPHCM từ năm 1975 đến nay. Đây cũng là vở để đón chào kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.
NSƯT Ca Lê Hồng, thành viên Hội đồng nghệ thuật thành phố, chia sẻ: “Thành phố đang có một đội ngũ các đơn vị nghệ thuật tư nhân giàu thực lực, tài năng và nhiệt huyết. Để có thể phát huy sức mạnh của đội ngũ này, góp phần vào sự phát triển của sân khấu, có được các tác phẩm có ý nghĩa tích cực với đời sống xã hội, chính trị thì rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước. Ví dụ như Nhà nước có thể xây dựng cơ chế “đặt hàng” các đơn vị này thực hiện các vở diễn theo yêu cầu, tổ chức quảng bá, biểu diễn… để các đơn vị yên tâm tập trung sáng tạo những tác phẩm sân khấu chất lượng cao, cả về tính nghệ thuật, thẩm mỹ, nội dung, từ đó góp phần phát huy mạnh mẽ hơn các giá trị nghệ thuật sân khấu trong đời sống xã hội hiện đại”.