Mai vàng rực rỡ
Những ngày qua, dọc những con đường khu vực trung tâm như Lê Duẩn, Phạm Ngọc Thạch, Lê Thánh Tôn, Đồng Khởi… rợp hoa mai vàng, rộn ràng không khí tết. Về đêm, các tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Duẩn hoặc nhiều khách sạn, trung tâm thương mại, đặc biệt là Trung tâm thương mại Diamond Plaza (góc đường Lê Duẩn - Phạm Ngọc Thạch), càng nổi bật với giàn đèn led có họa tiết hoa đào, hoa mai rực rỡ. Tại khu vực Nhà Văn hóa Thanh niên được trang trí những cành mai vải tạo nên không khí tết đầm ấm, thu hút nhiều gia đình, giới trẻ đến thưởng ngoạn. Nhiều nhóm bạn trẻ trong trang phục khăn đóng, áo dài rực rỡ đến đây vui chơi, chụp ảnh lưu niệm.
Chọn chữ thư pháp tại Phố ông đồ. Ảnh: VIỆT DŨNG
Không khí tại Nhà Văn hóa Thanh niên càng thêm rộn ràng, nhộn nhịp với sự góp mặt của Phố ông đồ. Năm nay, ngoài việc “cho chữ”, Phố ông đồ còn có các hoạt động vẽ ký họa, trưng bày những sản phẩm trang trí tết và hàng lưu niệm, áo dài truyền thống… Do đó, tại đây từ sáng sớm đến tận tối khuya vẫn luôn rộn ràng, tấp nập khách du xuân đến xin chữ, mua hàng lưu niệm.
Chị Nguyễn Thị Thanh Vân (ngụ quận 7, cùng người thân đang chờ ông đồ viết chữ “Gia đình” cùng 3 chữ “Phước, Lộc, Thọ” để về treo trong nhà) cho biết, khu vực này là một điểm đến thường xuyên của gia đình chị, để chụp những bức hình lưu niệm và lựa chọn những con chữ thư pháp ý nghĩa.
Hào hứng trò chơi dân gian
Ở quận 5, tết mang đậm không gian văn hóa cộng đồng người Hoa. Hàng tối, nhiều đội lân sư rồng ra Công viên Văn Lang luyện tập, chuẩn bị phục vụ bà con trong 3 ngày tết. Chợ hoa đối diện Công viên Văn Lang tấp nập người mua kẻ bán. Dù quy mô không lớn như một số chợ ở quận 8, 7, Thủ Đức, nhưng cây cảnh, hoa tết ở đây bài trí rất bắt mắt. Buổi tối, người bán trang trí thêm đèn lồng, đèn nhấp nháy… để thu hút sự chú ý.
Không khí tết thể hiện rõ hơn qua lễ diễu hành đón Tết Nguyên tiêu, diễn ra vào ngày 11-2-2018 trên nhiều tuyến đường quanh khu vực Chợ Lớn. Đây là hoạt động truyền thống của đồng bào người Hoa tại TPHCM. Hàng ngàn người mặc trang phục truyền thống, hóa trang thành thầy trò Đường Tam Tạng đi Tây Trúc thỉnh kinh hay binh sĩ, tướng quân trong những tác phẩm kinh kịch nổi tiếng… Các đội lân sư rồng, múa cá chép, múa quạt, đi cà kheo biểu diễn trên nhiều tuyến đường. Người dân chào đón nồng nhiệt, cổ vũ hết mình và tặng nghệ sĩ bao lì xì. Lễ hội năm nay có 25 đội, đoàn nghệ thuật ở TPHCM và tỉnh, thành lân cận tham gia. Sau lễ diễu hành, người dân hào hứng chơi trò chơi dân gian, xem biểu diễn ca nhạc cổ, kịch, tuồng tại Trung tâm Văn hóa quận 5.
Khu Phùng Hưng, Hải Thượng Lãn Ông khoác lên mình màu sắc đỏ rực, báo hiệu tết đã về. Không khí mua bán tất bật ở đây đã diễn ra gần một tháng nay. Các cửa hàng bày bán đèn lồng, tranh chữ, câu đối - hình ảnh trang trí đặc trưng trong gia đình người Hoa khi đón tết. Bà Giang Thúy, tiểu thương khu Phùng Hưng, cho biết: “Như mọi năm, móc treo trên cây cảnh, hình dán tường luôn cháy hàng. Những mặt hàng trang trí trên có giá dao động từ 35.000 - 100.000 đồng nên được khách hàng ưa chuộng”.
Trong khi đó, từ ngày 23 tháng Chạp, không khí đón tết đã rộn ràng khắp các ngõ xóm. Trên một số đoạn đường của quận 11, Tân Bình, Tân Phú như Âu Cơ, Lũy Bán Bích, Tân Sơn Nhì, Trương Vĩnh Ký, Gò Dầu..., nhiều nhà đã treo cờ trước cửa. Sửa sang lại cặp chậu cúc đại đóa vừa mua, bà Nguyễn Trần Như Ngọc (ngụ phường 5, quận 11) nói: “Ngày 28 Tết gia đình tôi về quê sum họp họ hàng, nhưng tôi vẫn mua cúc để chưng trước hiên nhà, với mong muốn màu vàng rực của loại hoa này sẽ tượng trưng cho một năm mới hanh thông, rực rỡ”.
Hội Hoa xuân Mậu Tuất 2018
Hội Hoa xuân Mậu Tuất 2018 được tổ chức tại Công viên Tao Đàn (quận 1, TPHCM) kéo dài đến hết 21-2 (mùng 6 tết). Hội hoa xuân lần này thu hút nhiều nghệ nhân từ mọi miền đất nước tham gia; trưng bày. Các nghệ nhân dự thi hơn 4.000 hiện vật đạt tiêu chuẩn, thuộc các bộ môn: hoa mai, hoa lan, hoa sứ, hoa ôn đới, hoa kiểng - kiểng lá, kiểng có trái, kiểng cổ - bonsai, tiểu cảnh - non bộ, đá cảnh - cây khô, cá cảnh, cắm hoa - mâm quả, xương rồng…
Đến với Hội Hoa xuân Mậu Tuất 2018, người dân sẽ được chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mới lạ, đặc sắc. Dịp tết này trùng với ngày lễ Tình nhân (14-2) nên lần đầu tiên, ban tổ chức thiết kế công phu một vườn hoa hồng rực rỡ với hơn 20 chủng loại. Trong đó, điểm nhấn của vườn hoa hồng nằm khu đồi có 2 con công với bộ cánh bằng hoa lan trông rất bắt mắt.
Mang “Tết sum vầy” cho công nhân nhập cư
Chiều 27 Tết, chị Phạm Thị Hồng Cúc (quê Kiên Giang, công nhân may Công ty Nahal Vina, quận 9) để cô con gái nhỏ ở phòng trọ cho chồng trông giữ, chị đạp xe ra chợ để mua sắm ít đồ cho 3 ngày tết. Buổi chợ ngày cuối năm đông nghẹt người. Sau một hồi chen lấn, chị cũng đã cầm trên tay được các món cần mua cho gia đình. Chị Cúc bảo: “Chút nữa em sẽ mua thêm trái dừa về kho nồi thịt, chồng em thích món này lắm nhưng lâu nay chỉ toàn ăn trứng, cá biển cho rẻ. Cải với dưa em để dành nấu canh. Hôm bữa dự chương trình “Tết sum vầy”, em được tặng bánh, mứt. Tết này gia đình em vậy là đủ đầy rồi”. Gần tháng nay, chồng chị Cúc phát hiện bị viêm phổi nặng nên phải nghỉ làm ở nhà. Trước đây, khi chồng còn khỏe, làm công nhân xưởng gỗ, thu nhập của hai vợ chồng cũng đủ chi tiêu trong nhà và năm nào cũng tranh thủ về quê đón tết cùng ba mẹ. Năm nay, chồng bệnh, chi phí thuốc men cũng mất khá nhiều tiền nên gia đình chị Cúc đành ở lại đón tết xa quê. “Chúng em không về, nhưng có gửi ít tiền về quê để ba mẹ mua sắm. Năm nay ráng khó một chút để lo bệnh tật cho anh. Hy vọng năm mới sức khỏe chồng em tốt hơn”, chị Cúc chia sẻ. Dù phải đón tết xa quê, nhưng căn phòng trọ nhỏ xíu của gia đình chị Cúc cũng sáng rực nhờ cây mai giả chị khéo tay làm bấy lâu nay.
Những ngày này, tại các khu lưu trú công nhân ở quận 7, không khí đón tết đã rất nhộn nhịp. Những cây mai, đào được trang trí quanh sân đã giúp nơi đây thêm đậm sắc xuân. Nhiều chương trình văn nghệ, trao quà tết cho thanh niên công nhân hoàn cảnh khó khăn đã được Thành đoàn tổ chức. “Năm nay em không về quê, ở lại làm thêm để có ít thu nhập. Dù xa nhà nhưng sự thăm hỏi, động viên của lãnh đạo cùng tình cảm của anh em chung khu đã giúp em vơi bớt nỗi nhớ nhà”, công nhân Bùi Thanh Hậu cho biết. Sau những giờ tan ca, Hậu cùng các bạn chung khu lưu trú lau dọn, trang trí phòng ốc. Các bạn nữ thì làm kiệu, nấu ăn. Chính sự gắn kết của các thành viên trong khu lưu trú đã giúp những thanh niên công nhân xa nhà được ấm lòng khi tết đến.
Người dân các tỉnh Đông Nam bộ có nhiều lựa chọn để giải trí tết
Dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, người dân các tỉnh Đông Nam bộ có nhiều lựa chọn để giải trí, du xuân.
Tại Đồng Nai, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống của tỉnh, Đoàn Ca múa nhạc, Trung tâm Văn hóa tỉnh cùng Trung tâm văn hóa - thể thao các huyện, thị xã, thành phố sẽ tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật mới để biểu diễn phục vụ người dân dịp tết. Trong đó, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai tổ chức các buổi lưu diễn phục vụ người dân các xã vùng sâu, vùng xa trong tỉnh với vở cải lương Sống mãi với non sông và biểu diễn các tiết mục ca múa, trống hội mừng xuân. Còn Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Đồng Nai cũng sẽ ra quân thực hiện 31 buổi chiếu miễn phí phục vụ nhân dân vui xuân đón tết mừng Xuân Mậu Tuất 2018, Bảo tàng Đồng Nai tổ chức triển lãm “Dấu ấn Xuân Mậu Thân 1968 - 50 năm một chặng đường”.
Tại TP Biên Hòa, người dân có thể đến 2 địa điểm để thưởng thức hoa đó là Hội hoa Xuân Trấn Biên 2018 tại Văn miếu Trấn Biên và Đường hoa Nguyễn Văn Trị. Đặc biệt, vào thời khắc giao thừa, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ tổ chức bắn pháo hoa trên cầu Hóa An (TP Biên Hòa).
Tại Bình Dương, sôi động nhất vẫn tại KDL Đại Nam với nhiều chương trình văn hóa, thể thao đặc sắc được Công ty cổ phần Đại Nam lên lịch phục vụ khách đến tham quan suốt từ mùng 1 đến mùng 10 tháng Giêng.
Còn tại Bình Phước, lần đầu tiên người dân thị xã Đồng Xoài và các huyện thị trong tỉnh được thưởng lãm đường hoa được thiết kế ngay Quảng trường 23-3 giúp người dân không phải đi xa để có thể thỏa sức ngắm hoa.