Rộn ràng sắc xuân ở các trường học: Giáo dục thêm về văn hóa truyền thống dân tộc

Thời điểm cận kề Tết Ất Tỵ 2025, nhiều trường học trên địa bàn TPHCM tổ chức hoạt động trang trí, sinh hoạt chuyên đề nhằm tạo không khí vui tươi cho học sinh trong những ngày chuẩn bị đón năm mới, qua đó giáo dục thêm cho các em về văn hóa truyền thống dân tộc.

Sân trường thay “áo mới”

Hơn một tuần qua, hành lang dãy phòng học ở lầu 2, khu D, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (cơ sở tại quận 1, TPHCM) được thay “áo mới” bằng những chiếc lồng đèn rực rỡ nhiều màu sắc, những chậu hoa cúc mâm xôi, khu tiểu cảnh với quang gánh, mẹt tre, bông lúa, mô hình bánh chưng, bánh tét, dưa hấu... Toàn bộ việc trang trí, dựng tiểu cảnh đều do thầy và trò cùng nhau lên ý tưởng, thực hiện với sự hỗ trợ của ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp.

Cô Nguyễn Mai Phương, giáo viên chủ nhiệm lớp 11CA2, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, cho biết, thông qua việc dựng tiểu cảnh, học sinh có cơ hội tìm hiểu về truyền thống văn hóa, phong tục tập quán tết cổ truyền của dân tộc. Hoạt động này đã mang lại không khí vui tươi, làm sáng bừng không gian học tập, giúp thầy và trò cảm thấy ấm áp, gắn bó hơn với trường lớp. Trong quá trình thực hiện, học sinh được rèn luyện tinh thần làm việc nhóm, chia sẻ ý tưởng cá nhân, phát triển khả năng tư duy và sáng tạo, qua đó gắn kết tình cảm giữa học sinh với nhau.

Q4a.jpg
Học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa trang trí hành lang lớp học để đón xuân

Tại Trường THCS Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), để chuẩn bị cho Hội Xuân 2025 với chủ đề “Tết về quê”, học sinh các lớp đã cùng nhau xây dựng tiểu cảnh với hoa mai, tràng pháo, câu đối đỏ. Đặc biệt, khu vực tiểu cảnh còn được lồng ghép giới thiệu một số địa danh, cảnh đẹp của đất nước như đảo ngọc Phú Quốc, chùa Cầu - Hội An (tỉnh Quảng Nam)…

Thông qua việc tổ chức hội xuân, học sinh được bồi đắp tình yêu quê hương đất nước, biết giữ gìn và tiếp nối các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Trước đó, Liên đội Trường THCS Hoàng Hoa Thám phát động phong trào quyên góp với chủ đề “Cùng bạn vui Tết Ất Tỵ 2025” nhằm gây quỹ, giúp đỡ các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn được thêm điều kiện vui xuân, đón tết.

Sân trường những ngày học cuối năm không chỉ đẹp hơn nhờ có các tiểu cảnh mừng xuân, mà còn ấm áp tấm lòng sẻ chia, sự quan tâm thầy và trò dành cho nhau để ai cũng có những ngày tết vui tươi, đầm ấm.

Hôm nay (17-1), tại Trường Tiểu học Phan Huy Ích (quận Tân Bình, TPHCM), hơn 1.000 giáo viên và học sinh đến từ các trường tiểu học trên địa bàn 6 quận, huyện (quận 12, quận Tân Bình, quận Tân Phú, quận Phú Nhuận, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi) tham gia Ngày hội giao lưu với chủ đề “Xuân gắn kết - Tết yêu thương” năm học 2024-2025. Ngày hội gồm nhiều hoạt động như: hội thi tiểu phẩm sân khấu hóa, rung chuông vàng, tham gia phiên chợ xuân, viết thư pháp...

Lồng ghép giáo dục học sinh

Hòa trong không khí nhộn nhịp mừng xuân, mới đây, Tổ Địa lý, Trường THPT Củ Chi (huyện Củ Chi) đã tổ chức Ngày hội gắn kết du lịch với nông sản Việt, trong đó lồng ghép giới thiệu các món ăn truyền thống vào những ngày tết cổ truyền của người Việt Nam như bánh chưng, bánh tét, dưa hành, củ kiệu…

Thầy Lê Xuân Giang, Tổ trưởng Tổ Địa lý, Trường THPT Củ Chi, chia sẻ, các gian hàng ẩm thực do chính học sinh khối 11 và 12 thực hiện nhằm giới thiệu các loại trái cây đặc sản, món bánh dân gian của các địa phương đến học sinh toàn trường. Qua đó, học sinh hiểu rõ hơn về giá trị của nông sản Việt, tự hào về văn hóa ẩm thực truyền thống của dân tộc.

Trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh) lại có cách làm khác. Tháng 1 hàng năm, học sinh của trường cùng nhau xắn quần, cấy lúa ngay tại sân trường. Cô Hứa Thị Diễm Trâm, Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập, thông tin, ruộng lúa nhân tạo là một trong những tiểu cảnh trang trí sân trường trong dịp Tết Nguyên đán.

Bằng các vật dụng quen thuộc như tấm trải bạt, hệ thống ống nhựa dẫn nước, nhà trường tái hiện khung cảnh cánh đồng lúa với bùn đất, ao sen, những hàng lúa non thẳng tắp do chính học sinh của trường cấy xuống ruộng lúa. Trong thời gian học sinh nghỉ tết, ruộng lúa sẽ tiếp tục được các thầy, cô giáo, nhân viên bảo vệ chăm sóc, bón phân, tưới nước. Tiểu cảnh được duy trì đến đầu tháng 3 và kết thúc bằng hoạt động thu hoạch lúa.

Đại diện nhà trường cho biết, ngoài việc tạo không khí tết vui tươi cho học sinh, hoạt động trải nghiệm còn giúp học sinh hiểu hơn về những vất vả của người nông dân trên ruộng lúa, từ đó biết quý trọng hạt gạo đang ăn mỗi ngày.

Theo khung kế hoạch thời gian năm học 2024-2025 do UBND TPHCM ban hành, học sinh bậc mầm non và phổ thông trên địa bàn TPHCM được nghỉ Tết Ất Tỵ trong 9 ngày. Tuy nhiên, nhằm tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh có thêm thời gian về quê thăm người thân, Sở GD-ĐT TPHCM đã đề xuất và được UBND TPHCM chấp thuận quyết định tăng thời gian nghỉ tết lên 11 ngày, bắt đầu từ ngày 23-1 (24 tháng Chạp) đến hết ngày 2-2-2025 (mùng 5 tháng Giêng).

Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu thủ trưởng các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng kế hoạch dạy học trên nguyên tắc đảm bảo đủ thời lượng, hoàn thành kế hoạch giáo dục của nhà trường; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết hợp tình, hợp lý các trường hợp học sinh không cư trú tại TPHCM có nguyện vọng về quê ăn tết.

Tin cùng chuyên mục