
Tham dự khai mạc có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Trung ương: Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; Đặng Thị Ngọc Thịnh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội.
Về phía lãnh đạo TPHCM có các đồng chí: Nguyễn Văn Được, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM; Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM; Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM... cùng các đại biểu trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được nhận định, Lễ hội Áo dài TPHCM năm 2025 sẽ tiếp nối thành công của 10 mùa lễ hội trước, tiếp tục tôn vinh và bảo tồn vẻ đẹp của áo dài, lan tỏa tinh hoa văn hóa dân tộc, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và TPHCM.

“Lễ hội năm nay là sự kiện văn hóa - du lịch mở đầu cho chuỗi hoạt động Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; phát triển thành phố mang tên Bác Hồ, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của thành phố, đồng hành cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc... Lễ hội còn là sự kiện tôn vinh vẻ đẹp và những cống hiến của người phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong xây dựng gia đình và xã hội”, đồng chí Nguyễn Văn Được chia sẻ.
Lễ hội năm nay có sự tham gia đồng hành của gần 60 nhà thiết kế áo dài trong cả nước và hơn 30 văn nghệ sĩ, người nổi tiếng trên các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, giải trí… với vai trò đại sứ hình ảnh cho lễ hội.



Điểm nhấn đêm khai mạc là chương trình nghệ thuật gồm 3 chương: Áo dài và Khúc hát những dòng sông, Áo dài và Những con đường hoa lửa, Áo dài - Rực rỡ sắc màu Việt Nam.
Chương 1: Áo dài và Khúc hát những dòng sông với 6 bộ sưu tập, hơn 70 mẫu áo dài kể câu chuyện về lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Sài Gòn - Gia Định gắn với sông Sài Gòn.
Chương 2: Áo dài và Những con đường hoa lửa với 4 bộ sưu tập, 80 mẫu áo dài lấy cảm hứng từ những huyền thoại hào hùng và cảm động gắn với cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc, đưa người xem đi theo hành trình cảm xúc từ những ngày gian khổ trong chiến tranh đến hòa bình, độc lập, với sự tham gia biểu diễn của các cựu chiến binh, cựu tù chính trị.
Chương 3: Áo dài - Rực rỡ sắc màu Việt Nam với 7 bộ sưu tập, hơn 120 mẫu áo dài như một bản hòa ca - nơi áo dài không chỉ là niềm tự hào dân tộc mà còn là biểu tượng trường tồn, đưa Việt Nam hòa nhịp cùng thế giới.









Lễ hội năm nay có nhiều chương trình ý nghĩa: Đồng diễn dân vũ áo dài hơn 50.000 người kết hợp với hoạt động Diễu hành cổ phục; Không gian triển lãm và tương tác với áo dài; Cuộc thi “Duyên dáng áo dài TPHCM”; Cuộc thi vẽ trên áo dài; Cuộc thi Ảnh đẹp áo dài online năm 2025 chủ đề “Áo dài với di tích lịch sử 30-4"; Chương trình “Đồng hành cùng áo dài Việt”.