Tham dự lễ khai mạc có đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Ngô Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM.
Với chủ đề "Xuân Yêu thương - Tết Sum vầy", Hội Hoa xuân diễn ra trong 10 ngày, từ 6 đến 15-2 (tức 27 tháng Chạp đến hết Mùng 6 Tết).
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức chia sẻ, từ mùa Xuân năm 1981 đến nay, TPHCM đã tổ chức thành công các Hội Hoa xuân. Cùng Đường hoa Tết Nguyễn Huệ, Hội Hoa xuân TPHCM trở thành một trong những sự kiện lễ hội tiêu biểu truyền thống của TPHCM mang đậm nét văn hóa đặc sắc của người dân thành phố mỗi dịp Xuân về.
“Các hoạt động lễ hội, các thiết kế cảnh quan… trong Hội Hoa xuân năm nay đậm tính nghệ thuật, độc đáo và giàu ý nghĩa. Không chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, thưởng lãm vui Xuân của nhân dân và du khách, Hội Hoa xuân còn gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống trong những ngày Tết cổ truyền. Hội Hoa xuân TPHCM Giáp Thìn có sự phong phú, mới lạ, hấp dẫn bởi bên cạnh sự chuẩn bị công phu của các nghệ nhân, nhà vườn còn có sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đơn vị đồng hành đã nỗ lực hết lòng phục vụ người dân”, đồng chí Dương Anh Đức nhận định.
Đến với Hội Hoa xuân, người dân và du khách được thưởng lãm các thiết kế, cảnh quan mang đậm chất nghệ thuật, giàu ý nghĩa dân gian cùng các tác phẩm nghệ thuật mới lạ, đặc sắc.
Cổng chính trên đường Trương Định là hình ảnh đôi Lưỡng Long, bên cạnh là nền hoa rực rỡ tượng trưng cho sự phồn vinh viên mãn.
Trục hồ dài từ cổng đường Trương Định có hình ảnh tái hiện lại sự tích “Cá chép hóa rồng”, thể hiện khát vọng một năm mới phát triển, phồn vinh, thịnh vượng. Hồ tròn trước Đền Tưởng niệm các Vua Hùng có mô hình mâm ngũ quả linh vật của năm, được nghệ nhân tỉ mỉ kết tạo tượng trưng cho mùa màng bội thu, sung túc.
Đặc biệt, người dân sẽ được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật độc đáo mới lạ như: Bộ sưu tập Mai Vàng đặc sắc có cây mai trên 50 tuổi đến từ Long Xuyên (An Giang), cây mai trên 40 năm tuổi (cao 3m) từ Thủ Đức (TPHCM); Bộ sưu tập hoa sứ nghệ thuật có các tác phẩm sứ lớn như cặp Xuân Kỳ (cao khoảng 2,7m), Vương nữ ngàn hoa (cao 3m); Bộ sưu tập hoa Lan: có tác phẩm Kim điệp trên 200 vòi bông, tác phẩm Hạc vỹ cao hơn 1m, bộ Lan Thủy Tiên 3 màu; Khu Hoa ôn đới có bông giấy cổ thụ trên 70 năm tuổi, đỗ quyên cổ thụ, mai xanh gần 100 tuổi đến từ Đà Lạt; Bộ sưu tập Sen đá cổ thụ 30 năm tuổi đến từ Hà Nội; Khu non bộ - Tiểu cảnh có tác phẩm non bộ “Thiên hạ Thái Bình” - dài 3,5m đến từ Tiền Giang.
Ngoài ra còn có những tác phẩm đặc sắc, sinh động của các khu trưng bày kiểng cổ - bon sai, cá cảnh, chim cảnh.
Hội Hoa xuân còn trưng bày bộ sưu tập các tác phẩm điêu khắc từ gỗ nguyên khối chiếc bàn trà "Con rồng cháu tiên" mang hình dáng bản đồ Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện; tác phẩm "Đất nước yêu thương" với điểm nhấn hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được thể hiện với hình tượng 2 viên ngọc quý được làm từ khối gỗ ó chiều cao 4m, đường kính gốc 2m và tác phẩm “Cửu Ngư vượt Vũ Môn” của nghệ nhân Nguyễn Trường Tiến (TPHCM).
Hội Hoa xuân Giáp Thìn còn tổ chức các chương trình lễ hội, ca múa nhạc tạp kỹ, hài kịch theo chủ đề hàng ngày; biểu diễn lân sư rồng hàng đêm và sáng Mùng 1, 2, 3 Tết với sự tham gia của nhiều đoàn lân nổi tiếng tại TPHCM.
>> Cùng ngắm hình ảnh bên trong Hội Hoa xuân Giáp Thìn: