Vừa gặp chúng tôi, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn Trần Việt Anh vui mừng cho biết, công ty vừa ký xong hợp đồng cung ứng sản phẩm nhựa cho đối tác tại thị trường châu Âu với giá trị 8 triệu USD. Đây có thể nói là tín hiệu tích cực nhất ngay từ đầu năm sau một thời gian khó khăn vì đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, buộc công ty phải giảm công suất và giảm khả năng tiếp nhận các đơn hàng. Hiện số lượng đơn hàng xuất khẩu mà công ty đã ký kết trong tháng đầu năm đã lên đến 30 triệu USD! Với số lượng như vậy, đủ đảm bảo cho công ty chạy hết công suất sản xuất cả năm. Đơn hàng chủ yếu đến từ thị trường Hoa Kỳ và châu Âu. “Tình hình rất khả quan, nằm ngoài dự đoán, khả năng đơn hàng tiếp tục tìm đến chúng tôi sẽ rất lớn, chắc chắn cầu vượt cung”, ông Trần Việt Anh nhận xét.
Cùng tâm trạng hồ hởi trong không khí sản xuất đầu năm mới, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP May Sài Gòn 3 Phạm Xuân Hồng cho biết, công ty đã ký kết thành công 2 đơn hàng may mặc với giá trị trên 7 triệu USD, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ.
Ở lĩnh vực chế biến lương thực, thực phẩm, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy hải sản Sài Gòn Trương Tiến Dũng tâm sự, năm 2021 phải nói là năm đầy biến cố, thế nhưng, vượt lên trên những khó khăn đó, các doanh nghiệp chế biến nông sản đang trên đà phục hồi khi đón nhận hàng loạt tín hiệu vui đến từ các thị trường xuất khẩu. Mới đây, lần đầu tiên công ty đã nhận đơn hàng “làm thử” vào thị trường Hàn Quốc, là sản phẩm ếch chế biến. Kết quả được đối tác đón nhận tích cực, sẽ mở ra cơ hội mới trong việc chế biến lương thực, thực phẩm mặt hàng này, cũng như nhiều mặt hàng nông sản khác trong thời gian tới.
Nhìn nhận về những tín hiệu phấn khởi xuất khẩu đầu năm, giới phân tích kinh tế cho rằng, Việt Nam có cơ sở để trở về mốc tăng trưởng kinh tế 5,6% thay cho 2,1% năm 2021. Vấn đề còn lại là các doanh nghiệp trong nước sẽ tăng quy mô sản xuất như thế nào để chủ động đón đầu cơ hội khi đơn hàng xuất khẩu đang dịch chuyển mạnh qua Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Việt Anh cho biết thêm, Trung Quốc - thị trường cung ứng lớn nhất vẫn đang thực hiện chính sách “Zero Covid-19”. Do vậy, các doanh nghiệp tại Trung Quốc vẫn đang phải thu hẹp phạm vi hoặc dừng sản xuất để đảm bảo an toàn phòng dịch. Trong khi đó, chính sách “Thích ứng với Covid-19” tại Việt Nam đã tạo cơ hội cho đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam. Nắm trước vấn đề này, từ cuối năm trước, công ty đã chủ động tăng cường tuyển công nhân mới, đồng thời tăng thưởng để giữ chân công nhân cũ.
Theo cộng đồng doanh nghiệp, ngoài diễn biến tích cực khách quan thì thuận lợi lớn nhất cho năm mới chính là gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng vừa được Quốc hội thông qua. Đây là sự kịp thời, tạo lực mới, niềm tin mới để kinh tế trong nước bứt phá và phát triển. Gói này sẽ giúp doanh nghiệp như “nắng hạn gặp mưa”. Bên cạnh đó, hàng loạt chính sách sửa đổi pháp luật, những giải pháp mở đã giúp các đối tượng nằm trong diện được hỗ trợ có thể tiếp cận nhanh, thuận lợi hơn. Cụ thể, việc hỗ trợ chi phí cho người lao động thuê nhà trọ, một chính sách chưa từng có, sẽ là cơ sở quan trọng để doanh nghiệp “giữ chân” cũng như thu hút nguồn nhân lực trở lại thành phố làm việc. Nhờ vậy mà doanh nghiệp sẽ tận dụng tốt hơn cơ hội đón đơn hàng xuất khẩu đang ồ ạt đổ vào Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện băn khoăn lớn nhất của nhiều doanh nghiệp là nguồn nguyên liệu sản xuất. Ông Phạm Xuân Hồng cho biết, với 60% nguồn nguyên liệu sản xuất nói chung của các ngành đều phải nhập khẩu, nhưng giá nguyên liệu lại tăng mạnh từ 30%-50%, cộng với chi phí logistics cũng tăng từ 5-7 lần so với trước đây sẽ khiến doanh nghiệp trong nước rất khó để không tăng giá thành sản phẩm bán ra. Do vậy, cùng với sự chủ động của doanh nghiệp trong việc đàm phán đơn đặt hàng của đối tác, các cơ quan chức năng cần thúc đẩy nhanh khả năng gia tăng tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu sản xuất. Có như vậy mới giúp doanh nghiệp duy trì ổn định thị phần không chỉ trong nước mà còn mở rộng hơn tại thị trường xuất khẩu.