Khi ngã, chiếc túi bà L. cầm theo còn vài chiếc bánh gạo và chai nước, bà ăn thêm lá cây dương xỉ cầm cự. Để chống chọi với cái lạnh, đói và khát, bà quàng vào người tất cả áo mưa, túi ni lông có thể kiếm được xung quanh chỗ bị ngã.
Chiều 3-5, chia sẻ với phóng viên Báo SGGPO, ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, TP Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết, đơn vị vừa tìm kiếm và cứu hộ thành công một du khách Hà Nội, bị ngã xuống vực sâu sau 7 ngày.
Theo ông Lê Tiến Dũng, khoảng 9 giờ 15 ngày 3-5, lực lượng quản lý trong lúc đi tuần đã nghe thấy tiếng kêu cứu phát ra ở phía dưới vực gần khu vực chùa Đồng, thuộc khu Di tích danh thắng Yên Tử. Sau khi kiểm tra, đu dây xuống đã bất ngờ phát hiện phía dưới vực có một phụ nữ và ngay lập tức công tác cứu hộ được triển khai. Do vị trí phát hiện sâu khoảng 30m, cây cối um tùm nên sau hơn một giờ đồng hồ mới có thể tiếp cận và đưa được nạn nhân lên tới khu vực an toàn.
Khi tiếp cận, nạn nhân ở trong tình trạng mệt, đói và kiệt sức. Lực lượng cứu hộ đã tổ chức sơ cấp cứu và đưa nạn nhân xuống núi thành công.
Nạn nhân được đội cứu hộ cõng xuống núi. Ảnh Ban quản lý Di tích và rừng Quốc gia Yên Tử cung cấp Thông tin ban đầu, du khách được tìm thấy là bà N.T.B.L. sinh năm 1963, ở Hà Nội. Bà N.T.B.L. bị ngã xuống ở vực sâu khu vực chùa Đồng từ ngày 27-4 và được tìm thấy vào sáng 3-5, tức là bà đã ở dưới vực khoảng 7 ngày.
Theo lời kể của nạn nhân, bà đi Quảng Ninh và lên lễ Phật tại chùa Đồng một mình. Khi đi xuống được một đoạn thì bất ngờ thấy người hơi mệt, nên bà đã ngồi nghỉ gần lan can chùa Đồng. Do bị tụt huyết áp, bất ngờ bị choáng, bà ngã xuống khu vực phía dưới khoảng 30m. Rất may là bà L. đã ngã vào khu vực có nhiều cây nên không xảy ra chấn thương nặng…
"Những ngày này, khu vực chùa Đồng có gió to nên dù kêu cứu nhiều lần nhưng không ai nghe tiếng", bà L. kể. Trong những ngày ở dưới vực, bà đã tìm cách bám vào thân cây, nhưng lại tiếp tục bị rơi xuống thêm 1 đoạn nữa. Sau cú va đập mạnh, bà L. đã ngất đi. Khi tỉnh dậy, thấy mình ở dưới vực sâu, bà L. hoảng hốt và tiếp tục kêu cứu. Nhưng do khu vực vắng, triền núi lại sâu hun hút và do mưa to, gió lớn nên không ai nghe thấy tiếng bà kêu cứu.
May mắn, khi ngã, chiếc túi bà L. cầm theo còn vài chiếc bánh gạo và chai nước, bà ăn thêm lá cây dương xỉ cầm cự. Để chống chọi với cái lạnh, đói và khát, bà quàng vào người tất cả áo mưa, túi ni lông có thể kiếm được xung quanh chỗ bị ngã.
Sau khi được sơ cấp cứu, nạn nhân đã hồi tỉnh, minh mẫn và chia sẻ về những ngày sinh tồn dưới vực sâu Cũng theo lãnh đạo Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, vị trí vực nơi du khách ngã xuống có độ sâu cả trăm mét, nhưng may mắn là khi rơi, có nhiều cây cối chằng chịt phía dưới nên nạn nhân đã trụ lại ở độ sâu 30m. Sau nhiều ngày mưa to gió lớn thì hôm nay 3-5, trời quang mây tạnh nên những người đi tuần đã nghe được tiếng kêu cứu từ dưới vực. Khi được cứu lên, nạn nhân đã uống được chút sữa, uống thuốc bổ và có thể giao tiếp lại. "Nạn nhân có kỹ năng sinh tồn rất tốt và đây có coi thể là kỳ tích", ông Lê Tiến Dũng nói.
Ông Lê Tiến Dũng cũng cho biết thêm, vị trí của du khách bị ngã là nơi du khách thông thường không đi vào. Thêm nữa, nhiều năm về trước cũng đã có một vài trường hợp trượt chân rớt xuống đây, vì thế ban quản lý đã làm lan can, cắm biển cảnh báo và phát loa cảnh báo... Đội cứu hộ cũng đã liên lạc được với người nhà của nạn nhân.
MAI AN