Ai mà chẳng muốn an cư
Cơn mưa sang mùa kéo dài vẫn tí tách, như những giọt xót xa rơi xuống hàng vạn phận người sống trong những túp lều xập xệ trên Thượng Thành - Eo Bầu (phần trên tường thành và các điểm dưới chân tường, bao bọc Kinh thành Huế). Trò chuyện với chúng tôi, cụ Nguyễn Thị Gái (72 tuổi, ngụ phường Thuận Lộc, một trong những người lên sinh sống đầu tiên trên Thượng Thành) tâm tư: “Sống trên đời, ai mà chẳng muốn an cư lạc nghiệp”. Gia đình cụ Gái hiện có 3 thế hệ sinh sống tại đây, nhưng vì nằm trong khu vực 1 di tích Kinh thành Huế nên chỗ ở chung của gia đình cụ không được phép cơi nới, xây dựng kiên cố. Mỗi khi xảy ra bão lũ, gia đình cụ Gái và tất cả các hộ dân sinh sống trên tường thành lại tay xách nách mang đi ở nhờ. “Nghe nói việc di dời tái định cư đã lâu rồi, cách đây cả chục năm nhưng hiện vẫn chưa động tĩnh gì”, cụ Gái nói. Còn bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch UBND phường Thuận Lộc, cho hay hơn 400 hộ dân của địa phương đang ở trên Thượng Thành - Eo Bầu đa phần là lao động phổ thông như đạp xích lô, xe thồ và buôn bán nhỏ. Việc di dời, tái định cư cho các hộ dân diễn ra quá chậm khiến cuộc sống của bà con gặp muôn vàn khó khăn, nhất là mỗi khi mưa bão. Nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân đều có nguyện vọng muốn sớm được di dời nhằm an cư lạc nghiệp.
Lại phải khom người chúng tôi mới vào được nhà bà Võ Thị Mai (53 tuổi, ở khu vực 3, phường Thuận Thành), 8 nhân khẩu suốt hơn 40 năm qua vẫn ở trong căn nhà lợp mái tôn ngay trước khu đất thuộc bờ thành Kinh thành Huế, trong đó nhà bếp và nhà vệ sinh được gia chủ xây ngay sát bờ thành di tích. Không đủ chỗ ngồi, bà Mai vừa rót nước đưa tận tay mời khách vừa trải lòng. Gia đình bà và hầu hết các gia đình sinh sống ở đất này đều từ trước năm 1975. Hàng ngày, bà Mai đi chiếc xe đạp cọc cạch bán bánh mì dạo trên các tuyến phố du lịch, tiền lãi chỉ đủ mua rau, gạo. Mỗi khi có việc hoặc ốm đau, ông bà phải vay mượn tiền hàng xóm. “Ở đây nhà nào cũng tồi tàn, ẩm mốc, mất vệ sinh. Khổ nhất là khi mưa bão đến hoặc nhà nào có đám tang… Nhưng muốn sửa sang lại không được phép”, bà Mai xót xa. Cạnh đó, bà Ngô Thị Huế tiếp lời: “Cách đây nhiều năm, có đoàn cán bộ về khu vực này đo đạc đất đai và kiểm kê tài sản để chuẩn bị phương án di dời các hộ dân sống trên Kinh thành Huế, nhưngmọi người đợi mãi vẫn chưa thấy thực hiện”.
Cầu cứu Trung ương hỗ trợ
Kinh thành Huế xây dựng dưới thời vua Gia Long và vua Minh Mạng (1805-1833). Đây là quần thể di tích có giá trị lịch sử được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại, là một trong những kinh đô phong kiến phương Đông còn lưu giữ được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật cung đình với hệ thống thành quách, cung điện, cần được bảo tồn, tôn tạo phù hợp với Công ước quốc tế về bảo vệ di sản, văn hóa. Thế nhưng nhiều năm qua, di tích Kinh thành Huế ngoài việc xuống cấp theo thời gian do những tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, còn bị tác động, làm hư hại bởi chiến tranh và yếu tố con người. Đặc biệt, trong khu vực 1 di tích Kinh thành Huế hiện có rất đông người dân sinh sống do di dân từ vùng nông thôn vào thành thị và gia tăng dân số tự nhiên. Điều này khiến cho di tích Kinh thành Huế bị xâm phạm nghiêm trọng. Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, cho biết để trả lại mặt bằng nguyên trạng cho di tích, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã từng bước di dời dân cư. Cụ thể, giai đoạn 1996-2018 có 1.050 hộ dân tại hai bên bờ sông Ngự Hà, Đàn Xã Tắc, Đàn Âm Hồn, Lầu Tàng Thơ và Thượng Thành, Eo bầu phía Nam kinh thành được di dời. Song con số này là không mấy khả quan, khi sự gia tăng dân số tự nhiên đang tạo áp lực lớn lên các khu vực di tích còn lại chưa được di chuyển dân cư. Hiện nay, khu vực 1 di tích Kinh thành Huế có khoảng 4.200 hộ dân sinh sống. “Đề án di dời, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế là một trong những nhiệm vụ, công trình, dự án trọng điểm của tỉnh Thừa Thiên - Huế trong năm 2018, đã được Thủ tướng Chính phủ có chủ trương thực hiện tại Thông báo 26/TB-VPCP ngày 17-1-2018. Song khó khăn nhất hiện nay là hầu hết các hộ dân sống trong khu vực 1 lại không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất ở không hợp lệ, nên theo quy định hiện hành không được bồi thường. Mặt khác, không ít hộ dân vì quá nghèo nên nếu được cấp đất cũng không có tiền xây nhà. Muốn triển khai đề án cần có chính sách hỗ trợ đặc biệt về bồi thường, tái định cư và kinh phí hỗ trợ di dời của Trung ương để giải quyết sớm, dứt điểm, nhằm trả lại nguyên trạng di tích”, ông Tuấn nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ vừa đi khảo sát, kiểm tra thực tế tại các khu dân cư, cho biết: “Tỉnh đang tích cực triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ để sớm đưa các hộ dân đến cư ngụ ở khu vực mới, có điều kiện cuộc sống tốt hơn. Trong đó, di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế là một đề án lớn, không chỉ nhằm gìn giữ, bảo vệ các giá trị lịch sử và bảo tồn các giá trị văn hóa do tiền nhân để lại, chỉnh trang cảnh quan đô thị và phát huy giá trị di tích phục vụ cho phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mà còn ổn định và nâng cao đời sống người dân sinh sống trong các khu vực di tích”.
Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Theo đó, khoảng 4.200 hộ dân sẽ được di dời trong giai đoạn 2019-2021. Kinh phí di dời dân cư, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng 2.800 tỷ đồng. Ngoài ra, còn cần 1.362 tỷ đồng đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu dân cư mới với quy mô 73ha tại phường Hương Sơ (TP Huế) để phục vụ tái định cư. Ngoài ra, còn cần huy động một nguồn kinh phí khá lớn cho việc cải tạo mặt bằng nguyên trạng di tích sau khi di dời dân cư và thực hiện công việc trùng tu, tôn tạo, bảo tồn nhằm phát huy giá trị di tích Kinh thành Huế. |