Loại bỏ trường yếu kém
Theo Bộ LĐTB-XH, Đề án sẽ thực hiện theo lộ trình. Từ nay đến 2021, phấn đấu quy mô tuyển sinh đạt 2,6 triệu người mỗi năm (hiện đang là 2,2 triệu người/năm), ít nhất 80% người học có việc làm và có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo.
Đồng thời, giảm mạnh về đầu mối cơ sở GDNN. Tối thiểu bình quân cả nước giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015 (bình quân mỗi năm giảm tối thiểu 2,5%), trong đó, trường trung cấp giảm tối thiểu 15%.
Đến 2025, phấn đấu quy mô tuyển sinh đạt 4,6 triệu người mỗi năm, ít nhất 85% người học có việc làm và có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo; tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021 (bình quân mỗi năm giảm tối thiểu 2%).
Đến 2030, phấn đấu quy mô tuyển sinh đạt 6,3 triệu người mỗi năm, ít nhất 90% người học có việc làm và có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo; tiếp tục thực hiện giảm đầu mối, phấn đấu chỉ còn các đơn vị sự nghiệp GDNN công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu trong lĩnh vực GDNN.
Bộ LĐTB-XH thống kê, hiện cả nước có gần 2.000 cơ sở GDNN, trong đó gần 400 trường CĐ, hơn 550 trường TC, đa phần là các trường công lập. Ngoài ra, toàn quốc còn có hàng trăm cơ sở GDNN cấp huyện. Do trải rộng và bao phủ như vậy, nên quản lý nhà nước đối với GDNN còn chồng chéo, nguồn lực đầu tư nhiều nhưng hiệu quả chưa cao... |
Song song đó, Bộ LĐTB-XH khuyến khích thành lập mới cơ sở GDNN tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài, ưu tiên doanh nghiệp thành lập cơ sở GDNN.
Tránh lãng phí
Th.S Hứa Minh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM, cho biết, cuối năm 2017, Trường CĐ Tài chính Hải quan sáp nhập về trường (cả hai đều có cùng bộ chủ quản là Bộ Tài chính). Khi sáp nhập, có hàng loạt vấn đề cần phải giải quyết như nhân sự, lộ trình chuẩn hóa, lương, cơ sở vật chất, đất đai…
Ngoài ra, vấn đề “đồng lòng” giữa trường bị sáp nhập, được sáp nhập cũng nảy sinh nhiều vấn đề, nếu không nhất quán về chủ trương thì rất khó thực hiện. TS Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, cho rằng, trong quá trình sáp nhập phải chú ý đến tính đặc thù của từng nhóm ngành nghề.
“Ví dụ trường múa, trường nghệ thuật, khi sáp nhập vào một trường đa ngành liệu có ổn không? Nhiều địa phương đã và đang thí điểm thực hiện tinh gọn đầu mối quản lý, tiến hành sáp nhập một số trường TC, CĐ đã xuất hiện nhiều lục đục. Nhiều trường kém phát triển khi nhập vào trường đang phát triển, nếu không tính toán kỹ về nhân sự, tài chính... sẽ làm cho trường đang phát triển thêm gánh nặng và không khéo sẽ làm cho trường mạnh thành yếu”, TS Lê Lâm băn khoăn.
Một vấn đề khác mà TS Lê Lâm lưu ý là phải mổ xẻ những dự án đầu tư cho các trường nghề, các trường CĐ thuộc Bộ GD-ĐT trước và sau khi chuyển giao về Bộ LĐTB-XH quản lý. Bởi lẽ hiện nay rất nhiều trường nghề đã đầu tư vài chục tỷ đồng, xây dựng cơ sở vật chất hoành tráng nhưng sau đó bỏ hoang gây lãng phí rất lớn cho ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia về GDNN cho rằng, việc giải thể các trường TC, CĐ kém chất lượng, Bộ LĐTB-XH phải có phương án cụ thể, phải phối hợp với các bộ, ngành, vì thực tế GDNN cũng có rất nhiều trường thuộc các bộ, ngành khác. Ngoài ra, trong Đề án nên tính đến tính hiệu quả, tránh lãng phí hơn là phân biệt sở hữu công - tư.
“Rất nhiều trường công hiện nay đầu tư lớn, có nơi cả trăm tỷ đồng nhưng xây xong không có người học. Do đó, nên tính thêm phương án cho phép trường tư thuê lại cơ sở vật chất với thời gian, giá cả hợp lý để phục vụ đào tạo vì mục tiêu chung cho xã hội”, Th.S Nguyễn Đăng Lý, Trường CĐ Quốc tế TPHCM, nhìn nhận.
Theo Bộ LĐTB-XH, việc sắp xếp lại hệ thống GDNN nhằm mục đích có được các trường nghề mạnh, có chất lượng, chứ không phải chạy theo thành tích cắt giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp. Đặc biệt ở các địa phương khó khăn và nhu cầu nhân lực trong trung hạn trên địa bàn chưa nhiều, việc duy trì nhiều trường CĐ, TC sẽ tạo áp lực cho ngân sách địa phương, ngân sách nhà nước.