“Roi cứng” cho các doanh nghiệp trốn đóng BHXH

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, tính đến cuối tháng 10-2015, cả nước đã có hơn 67 triệu người tham gia cả ba loại hình bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp (tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước). Điều này thể hiện tâm tư cũng như nhu cầu của người lao động về việc tham gia đóng bảo hiểm để được hưởng chế độ phúc lợi khi về già (mãn tuổi lao động) hoặc lúc ốm đau bệnh tật, chẳng may thất nghiệp. Tuy nhiên, cùng với xu thế tăng lên của các đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc thì tình trạng nợ đọng bảo hiểm của các doanh nghiệp (chủ sử dụng lao động) đối với nhà nước và người lao động lại đang tăng lên ở mức báo động.

Cách đây 4 - 5 năm, dư luận xã hội đã từng liên tục lên tiếng về tình trạng doanh nghiệp chây ỳ, cố tình nợ tiền BHXH (gọi chung cho ba loại hình) và nhiều hội thảo đã được tổ chức để tìm giải pháp ngăn chặn. Theo số liệu mới nhất của BHXH Việt Nam, đến đầu tháng 10-2015, tình trạng chậm đóng, nợ đọng đã xảy ra ở tất cả các địa phương với số nợ lên tới 11.227,7 tỷ đồng (tăng 1.033,6 tỷ đồng - tương ứng 10,1%) so với cùng kỳ năm trước. Số nợ 1 - 2 tỷ đồng trên một doanh nghiệp đã không còn là “kỷ lục” nữa mà từng có doanh nghiệp nợ tới 5 tỷ đồng BHXH. Có rất nhiều hình thức nợ, trong đó bên cạnh các doanh nghiệp chậm trả vì thực sự khó khăn thì không ít doanh nghiệp vẫn làm ăn tốt nhưng cố tình chây ỳ, chậm nộp để “chiếm dụng” số tiền phải nộp cho cơ quan bảo hiểm, dành tiền để đầu tư cho khoản khác, mặc dù đã trừ lương của người lao động. Những thủ thuật mà doanh nghiệp dùng để lách luật như đăng ký số người tham gia BHXH thấp hơn thực tế, chỉ khai báo mức lương của người lao động bằng mức lương tối thiểu vùng... 

Nếu doanh nghiệp chỉ đóng bảo hiểm dựa trên tiền lương, tiền công khai báo thấp hơn thực tế thì khi đến tuổi nghỉ hưu, người lao động sẽ bị thiệt thòi khá nhiều. Trong một lễ ký cam kết giữa ngành bảo hiểm và Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam tổ chức mới đây, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh chia sẻ rằng khi doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm chính là nợ người lao động chứ không phải nợ ngành bảo hiểm.

Trong thời gian qua, BHXH Việt Nam đã nỗ lực và chủ động ký quy chế phối hợp với các cơ quan liên quan như Thanh tra Chính phủ, Bộ LĐTB-XH, Ủy ban MTTQ Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Bộ Công an... để nhằm xóa bỏ tình trạng nợ đọng bảo hiểm ngày càng gia tăng nhức nhối. Song theo các chuyên gia thì cần phải có “cây gậy” hoặc “cái roi” mạnh mới ngăn chặn, giảm thiểu được vấn nạn này.

Đối với tình trạng doanh nghiệp làm ăn thuận lợi nhưng cố chậm nộp, chây ỳ để chiếm dụng tiền bảo hiểm thay vì phải vay ngân hàng, giải pháp khả thi được nhiều người cùng tán thành là nhà nước sớm triển khai chính sách áp lãi suất với khoản tiền chậm nộp cao hơn nhiều lãi suất ngân hàng ở cùng thời kỳ, chắc chắn sẽ “trị” được bệnh chậm nộp hoặc nợ tiền bảo hiểm. Còn về tình trạng doanh nghiệp không khai báo đủ số lượng lao động hoặc chỉ ký hợp đồng dưới 3 tháng để trốn đóng, BHXH Việt Nam cho biết, điểm mới của Luật BHXH sửa đổi năm 2014 sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2016 đã bổ sung quy định người có hợp đồng lao động từ 1 đến dưới 3 tháng cũng phải tham gia bảo hiểm bắt buộc. Đồng thời, người lao động được quyền quản lý sổ bảo hiểm xã hội của mình để theo dõi quá trình đóng - hưởng trong khi quy định hiện hành chỉ cho chủ sử dụng lao động “nắm” sổ.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về bảo hiểm cho rằng, quy định vẫn sẽ chỉ nằm trên giấy, không khả thi nếu chính quyền các địa phương và cơ quan bảo hiểm không nhiệt tình vào cuộc, liên tục kiểm tra và xử phạt nặng doanh nghiệp vi phạm. Đồng thời, chính người lao động và tổ chức công đoàn cần phải chủ động quan tâm hơn tới quyền lợi của mình, đòi hỏi doanh nghiệp phải thực hiện đúng chính sách lao động.

VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục