Robin Williams và vấn đề của diễn viên hài

Danh hài Robin Williams, 63 tuổi, qua đời ngày 11-8 do tự tử là thêm một trường hợp soi rọi vào mặt tối của các diễn viên hài. Robin, như nhiều diễn viên hài khác, từ lâu phải sống chung với trầm cảm và nghiện ngập. Theo các chuyên gia, những bệnh tâm thần này không phải chuyện cười.
Robin Williams và vấn đề của diễn viên hài

Danh hài Robin Williams, 63 tuổi, qua đời ngày 11-8 do tự tử là thêm một trường hợp soi rọi vào mặt tối của các diễn viên hài. Robin, như nhiều diễn viên hài khác, từ lâu phải sống chung với trầm cảm và nghiện ngập. Theo các chuyên gia, những bệnh tâm thần này không phải chuyện cười.

“Hài hước thường là một tư thế phòng thủ chống trầm cảm”, ABCNews dẫn lời Deborah Serani, nhà tâm lý học lâm sàng, người điều trị cho nhiều diễn viên bị trầm cảm và các vấn đề sức khỏe tâm thần. Serani, tác giả cuốn Living With Depression, cho biết, với nhiều diễn viên hài, hài hước là một phản ứng “chống nỗi ám ảnh sợ hãi” bóng tối và nỗi buồn của bản thân.

Sự thông minh giúp họ tạo được trạng thái vui vẻ che lấp nỗi tuyệt vọng của mình. Họ thường có những gì chúng ta gọi là “mặt nạ của trầm cảm”, giúp họ tạo một vẻ ngoài được thế giới chấp nhận. Nhưng đằng sau mặt nạ đó là một cuộc đấu tranh khủng khiếp. Họ có triệu chứng bệnh trầm cảm và tiếng cười giúp khỏa lấp những cảm xúc yếu đuối.

Robin từng thú nhận về cuộc chiến lâu dài của mình chống nghiện rượu và trầm cảm. Năm 2006, ông đã tự vào trại cai nghiện sau khi tái nghiện, và mới tháng trước, ông tự vào đó một lần nữa vì những lý do không được tiết lộ.

Robin chắc chắn không phải diễn viên hài duy nhất từng sống với trầm cảm và nghiện ngập. Diễn viên hài Marc Maron và Jim Norton từng công khai việc bị trầm cảm nặng. John Belushi, Chris Farley và Greg Giraldo đều chết vì bị sốc thuốc. Năm 2007, Richard Jeni tự tử bằng cách bắn vào mặt...

Lý do nhiều diễn viên hài có nguy cơ bị bệnh tâm thần là bởi sự hài hước không phải điều gì tương tự hạnh phúc, theo tiến sĩ Rami Kaminski, giáo sư tâm thần học tại Trường Y Đại học Columbia. Ông cho rằng nhiều diễn viên hài khai thác sự hài hước như một cách để thoát khỏi trầm cảm và lo âu: “Như một người sợ độ cao nhưng lại chọn nhảy dù. Nếu lúc nào họ cũng vui vẻ, họ có thể cảm thấy tốt hơn một chút… Nhiều diễn viên hài có xu hướng chán nản vì họ đang cố gắng thoát khỏi thế giới tối tăm của mình bằng cách cười đùa. Nhưng chỉ có những người bị trầm cảm lâm sàng mới có nguy cơ tự tử, như Robin”.

Tiến sĩ Michael Clarke, Phó chủ tịch về các vấn đề lâm sàng tại khoa tâm thần học và hành vi học tại Trường Y Johns Hopkins, cho biết, nghiên cứu chứng tỏ rằng, nói chung sự sáng tạo và rối loạn tâm thần thường đi đôi: “Những người có một khả năng sáng tạo hơn người dường như có tỷ lệ cao hơn bị rối loạn tâm thần như trầm cảm và rối loạn lưỡng cực. Chưa biết chính xác nguyên nhân nhưng nó có thể có cơ sở sinh học trong các trung tâm cảm xúc của não”.

HỒNG CHUYÊN

Tin cùng chuyên mục