PHÓNG VIÊN: Trong báo cáo về việc giải quyết kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 6, Ban Dân nguyện thẳng thắn nêu rõ những bộ, ngành, địa phương chưa thật sự nghiêm túc báo cáo về công tác này. Bà có nhận xét như thế nào về tình hình hiện nay? Liệu đã có những biến chuyển đáng kể?
Bà NGUYỄN THANH HẢI: Qua các kỳ họp gần đây, báo cáo về việc giải quyết kiến nghị cử tri đã có sự thay đổi đáng kể, là nêu đích danh những bộ ngành, địa phương làm tốt và chưa tốt công tác này. Chúng tôi cố gắng chỉ rõ địa chỉ như thế - có khi đưa thẳng vào báo cáo, có khi tập hợp trong phụ lục, lưu ý, để một mặt khích lệ những nơi làm tốt; mặt khác, hạn chế được tình trạng không trả lời kịp thời, trả lời cho xong chuyện, trả lời lạc đề khi người dân hỏi một đằng trả lời một nẻo hoặc huyện này hỏi lại trả lời ở huyện khác… Ở đây cũng cần ghi nhận là báo chí đã có vai trò rất quan trọng trong việc nêu rõ các bộ, ngành, địa phương để xảy ra tình trạng đó. Thực tế, tình trạng này đã được khắc phục đáng kể.
Xin bà nêu một vài ví dụ cụ thể?
Điển hình là một số bộ, ngành năm ngoái có tỷ lệ kiến nghị tồn đọng cao như: Bộ GD-ĐT, Bộ GTVT…, kỳ này đã có chuyển biến. Như Bộ Giáo dục - Đào tạo kỳ này được 14 đoàn đại biểu Quốc hội nhận xét là trả lời đúng hạn, có chất lượng. Bộ GTVT trước đây thường trả lời chung cho những câu hỏi về hạ tầng giao thông là phải chờ vốn hoặc cần thời gian khảo sát thì nay có một số dự án nhỏ đã xử lý ngay, chỉ trong vòng 1- 2 tháng.
Điểm đáng lưu ý là các đoàn đại biểu Quốc hội có vai trò rất quan trọng trong việc đánh giá tình hình giải quyết kiến nghị cử tri. Họ chính là những đại biểu của cử tri ở cơ sở, có thể giúp chúng tôi xác định chính xác là trả lời của các bộ, ngành có được thực hiện đúng như vậy tại địa phương không. Nhờ đó, nhìn chung, các câu trả lời không còn mông lung về mặt thời gian, ít nhất cũng đưa ra thời hạn giải quyết. Số câu trả lời có lộ trình giải quyết đã đạt đến 80%. Có những vấn đề mất hàng năm, thậm chí 5 năm, nhưng khi đã có thời hạn rõ ràng, được trả lời bằng văn bản cụ thể, có đóng dấu, có chữ ký của bộ trưởng, trưởng ngành hay lãnh đạo địa phương thì chúng ta có cơ sở để tin là kiến nghị sẽ được giải quyết. Nếu người có trách nhiệm, cấp có trách nhiệm không thực hiện đúng, thì đấy chính là cơ sở để đề nghị giám sát.
Bên cạnh đó, chúng tôi không chỉ công khai kết quả giải quyết kiến nghị cử tri, mà còn yêu cầu các bộ ngành, địa phương đưa lên cổng thông tin điện tử chính thức của mình để người dân dễ dàng tìm kiếm và theo dõi, giám sát. Tôi cho rằng đó là những cách để tăng cường sức ép tích cực trong việc giải quyết kiến nghị cử tri.
Đưa ra những đánh giá có địa chỉ như thế, khen thì không sao, nhưng nếu là “chê”, Ban Dân nguyện có phải chịu áp lực gì không, thưa bà?
Đúng là để đưa ra được những nhận xét có địa chỉ, có số liệu chính xác như thế, chúng tôi rất vất vả vì mình phải có căn cứ, phải làm việc với dân, với bộ, ngành đó để đánh giá cho công bằng. Vừa rồi cử tri yêu cầu thực hiện khám chữa bệnh cho người có thẻ bảo hiểm y tế tất cả các ngày trong tuần - kiến nghị đó đã kéo dài hàng chục năm qua. Kỳ này chúng tôi tập trung làm việc với Bộ Y tế, bộ cũng đã phản hồi khó khăn của họ như thiếu y bác sĩ, nên phải tăng thêm làm việc ngoài giờ… Nhưng qua cân nhắc kỹ, chúng tôi thấy rằng quyền lợi của người dân vẫn cần được đảm bảo và nêu kiến nghị này với Quốc hội. Thực ra, Bộ Y tế cũng thấy rằng nhờ kiến nghị này mà ngành sẽ được hỗ trợ tháo gỡ khó khăn thông qua việc bố trí thêm nhân lực, đầu tư thêm nguồn lực…
Khi “bám chắc” vào những đầu mối cụ thể như thế, có những việc đã được giải quyết ngay. Một ví dụ rất vui là vừa rồi cử tri tỉnh Bình Thuận kiến nghị về việc cơn bão số 9 gây thiệt hại rất nặng cho bà con trồng cây thanh long, Chính phủ đã có nghị định nêu rõ là nếu bị thiệt hại sẽ được hỗ trợ, nhưng vì cây thanh long không được liệt kê rõ ràng trong danh mục kèm theo nghị định nên Sở Tài chính tỉnh không trình danh sách hỗ trợ. Sau khi chúng tôi chuyển kiến nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã trực tiếp giải quyết, vướng mắc này đã được tháo gỡ và người dân được hưởng lợi ích chính đáng của họ.
Tất nhiên trong quá trình làm việc, bản thân chúng tôi cũng phải khắc phục tâm lý e ngại, nể nang nữa. Có khi tôi cũng bị mất lòng nhiều người, nhưng sức ép thì không! Có điều, cứ mỗi kỳ họp, sau khi tiếp xúc cử tri, chúng tôi luôn nhận được rất nhiều - hơn 2.000 kiến nghị. Rất khó để phản ánh hết số kiến nghị đó, phải chọn lọc những vấn đề hoặc đã tồn đọng lâu, hoặc đang nóng, bức xúc để ưu tiên giải quyết.
Để nâng cao chất lượng tập hợp, giải quyết kiến nghị của cử tri trong thời gian tới, Ban Dân nguyện có những kiến nghị gì đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương?
Nhìn vào tỷ lệ thì thấy số kiến nghị cử tri gửi tới Chính phủ là nhiều nhất, tới 94%. Điều này cũng dễ hiểu vì Chính phủ là khối hành pháp, quản lý nhiều lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống của đại đa số người dân. Khi có những kiến nghị liên quan đến nhiều bộ, ngành thì việc theo dõi, giám sát là rất khó. Như chính sách người có công thì Bộ LĐTB-XH, Bộ Tài chính và địa phương phải cùng vào cuộc. Hay sửa chữa cơ sở hạ tầng giao thông thì không thể vắng Bộ GTVT, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính và các địa phương… Chúng tôi cũng đã đề nghị Chính phủ, Thủ tướng quan tâm chỉ đạo sâu sát hơn nữa để các cơ quan có liên quan phối hợp nhịp nhàng qua một đầu mối thường trực trong quá trình giải quyết những kiến nghị này.
Bên cạnh đó, dù đã có quy định, nhưng đúng như cử tri phản ánh, việc lấy hiệu quả giải quyết kiến nghị làm căn cứ để đánh giá trách nhiệm của cá nhân, đơn vị là chưa rõ. Phải có cơ chế rõ hơn và nhất quán thực hiện việc này. Tôi vẫn trăn trở về việc từ đầu nhiệm kỳ đến nay, còn hàng trăm kiến nghị tồn đọng chưa có điều kiện giải quyết. Với các khiếu nại tố cáo, Chính phủ đã thường xuyên tổ chức rà soát, nỗ lực để giải quyết dứt điểm, thậm chí ban hành những cơ chế đặc thù để tháo gỡ. Vậy mà với những kiến nghị của cử tri, cũng có những vấn đề rất chính đáng, rất bức xúc, được phản ánh một cách đúng luật và ôn hòa, thì chưa có đợt nào tổng rà soát, xử lý triệt để.