Đi ra nói chuyện, đi vào chào nhau
“Cho em chục cái chả giò nhé! Nhà có khách cũng muốn có thêm món này món kia cho đa dạng mà vội quá không kịp làm”, gặp nhau trong thang máy, chị Mai Phương (chung cư The Useful Apartment, quận Tân Bình, TPHCM) nói với một người phụ nữ sống cùng lô.
“Ở chung cư của mình, những kiểu “giao dịch” như vậy khá nở rộ. Thậm chí có riêng một group của cư dân như một siêu thị thu nhỏ. Từ rau củ quả, trái cây, trứng, đồ ăn sơ chế cho đến chế biến sẵn… đều có hết. Nhà ai có gì bán nấy. Nhà mình giờ hầu hết đều mua đồ của các hộ dân khác trong chung cư. Nói chung, mọi thứ rất tiện lợi vì nhanh và không mất phí ship (tiền vận chuyển)”.
Cũng theo chị Mai Phương, cộng đồng cư dân còn có một group khác để phản ánh các vấn đề bất cập của chung cư như chuyện vệ sinh, thang máy, tiếng ồn…
Thấy tôi ngạc nhiên khi đám trẻ nhỏ sống cùng tầng với nhà chị Phương chơi thân thiết như anh em, chị nói thêm: “Ở tầng mình, chắc phải đến 70% là gia đình có trẻ nhỏ. Thế nên lợi ích là trẻ con sẽ có bạn, cùng chơi với nhau. Đứa lớn chỉ đứa bé. Rồi chính mấy đứa con nít lại là nơi kết nối người lớn. Đi ra nói chuyện, đi vào cũng chào nhau. Rồi các gia đình thành mến nhau từ hồi nào không hay. Tụi nhỏ chơi với nhau cả ngày không chán. Ở tầng chung cư mình, không có đứa trẻ nào nghiện tivi, iPad”. Chị Phương còn khoe hình ảnh đám trẻ nhỏ chỉ nhau học bài, cùng nhau học vẽ, chơi trò hóa trang trong các dịp lễ… rất vui nhộn. Sau khoảng 5 năm sống tại đây, chị cảm thấy rất hài lòng.
Sống tại chung cư S-home (quận 9, TPHCM) một thời gian khá dài, dù cũng có những bất tiện nhất định như: nhà có khách, bạn bè khó tổ chức tiệc tùng trong căn hộ riêng của mình vì sợ gây ồn ào cho hàng xóm; trẻ em nhảy nhót trong nhà, kéo bàn ghế gây tiếng ồn cho nhà bên dưới… nhưng chị Hương Lê vẫn tin tưởng vào lựa chọn của mình. Có 2 con nhỏ hiện đang học mẫu giáo, điều chị an tâm nhất là sự an toàn.
Chị tâm sự: “Các con không phải leo cầu thang trong nhà, hay ở gần đường sá có nhiều xe cộ qua lại nguy hiểm. Chung cư ở gần trường học, bệnh viện nên cũng rất thuận lợi. Bản thân vợ chồng chúng tôi khi đi làm cũng không gặp nhiều khó khăn về vấn đề giao thông do vị trí chung cư nằm gần các tuyến đường chính. Chung cư lại có ban quản lý, bảo vệ với nhiều quy định khắt khe nên mình sống cứ theo nếp đó là mọi thứ diễn ra trôi chảy, bình thường”.
Theo chị Hương Lê, ngoài các tiện ích như siêu thị, cửa hàng và các dịch vụ trong tòa nhà, những group buôn bán trong các chung cư ngày càng nở rộ. Muốn mua bán gì đều được giao đến tận nơi mà không cần phải lấy xe di chuyển ra bên ngoài, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí, đồng thời cũng góp phần tạo thêm thu nhập cho các hộ dân sống tại chung cư.
“Tôi thấy điều đó rất tiện lợi. Gạo, rau, thịt, cá... cứ đặt hàng là có người mang đến tận nhà. Thậm chí, các bé có thể giao giúp bố mẹ những món đồ nhẹ. Đó cũng là cơ hội để chúng làm quen, biết nhau, là cầu nối để các bố mẹ, gia đình làm quen với nhau”, chị Hương Lê cho biết thêm.
Cộng đồng nhỏ trong không gian lớn
Cũng như nhiều chung cư khác, các vấn đề chung: vứt rác bừa bãi, xả rác trong thang máy, để xe không đúng nơi quy định… đều được phản ánh thường xuyên trên các group chung để mọi người tự điều chỉnh hành vi và ý thức. Chị Hương Lê cũng chia sẻ thật lòng, việc có nhiều hội nhóm dễ bị rối thông tin, quan trọng là mình cần có sự sàng lọc, tiếp thu có chọn lọc.
“Chỗ này thì chung cư cũ, số lượng căn hộ ít. Nói chung là tầng nào biết tầng đó. Chỉ có vài nhà có con nít thì giao lưu với nhau thôi. Sống kiểu thành thị mà. Hiện tại nhà tôi có hàng xóm con cùng độ tuổi chơi chung nên thân thiết, cửa lúc nào cũng mở cho lũ nhỏ chạy qua chạy lại. Hành lang thì tự lau thêm hàng ngày cho sạch sẽ”, chị Ngọc Ánh, sống tại chung cư A2 (khu dân cư Miếu Nổi, Bình Thạnh, TPHCM) mở đầu câu chuyện. Điều khiến chị rất ưng ý là các phòng đều thoáng mát, có ánh nắng chiếu vào mỗi ngày.
Chung cư ngày nay đang ngày càng được nhiều người lựa chọn, đặc biệt là những người trẻ, với ưu điểm lớn nhất là tính an toàn, vừa đảm bảo riêng tư, nhưng vẫn có cộng đồng các hộ dân sống chung trong một không gian lớn.
Như chị Kiều Liên hồi mới dọn về chung cư An Lộc (Gò Vấp, TPHCM) khá bất ngờ bởi câu chuyện xóm giềng. Riêng tầng lầu chị sinh sống, các dịp lễ, tết, sinh nhật, các gia đình đều quây quần tổ chức ăn uống, mỗi nhà mỗi món góp vui. Hồi chị đám cưới, cả tầng tổ chức một bữa tiệc nhỏ riêng tư ngay tại chung cư rất đầm ấm. Ai về quê vào đều không quên mang theo quà quê, gửi mỗi nhà cùng tầng một chút ăn lấy thảo.
Sống ở chung cư hay nhà mặt đất, xét cho cùng đều có những ưu nhược điểm riêng và nó phụ thuộc vào sự lựa chọn, thích nghi của mỗi người. Sống tại chung cư, sự riêng - chung càng được phân định rạch ròi hơn khi mỗi hành động của mình không thể tùy tiện. Từ chuyện đi thang máy, giữ gìn vệ sinh, nuôi súc vật, đi lại trong nhà… hay lớn hơn là chuyện ứng xử giữa các gia đình; sửa chữa, thay đổi công năng căn hộ… tất cả đều phải nghĩ đến cái chung.
Chung cư nào hiện cũng có những nội quy, bộ quy tắc ứng xử chung dành cho các cư dân. Tuy nhiên, văn hóa ứng xử trước hết nên bắt đầu từ mỗi cư dân, hộ gia đình, sau đó được nhân rộng ra tổ dân phố để tạo nên một cộng đồng chung sống gắn kết, chan hòa. Khi đó, nó không chỉ là lợi ích mỗi cá nhân mà còn là lợi ích chung - lợi ích của cả tập thể, một cộng đồng nhỏ. Sống ở chung cư quan trọng nhất là thái độ và sự mở lòng. Đừng nghĩ chung cư là không gian khép kín, vẻn vẹn chỉ trong 4 bức tường.
Người Việt, xét cho cùng vẫn sống thiên về tình cảm, “bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Không phải nghĩ đến những vụ lợi hay những gì mình sẽ nhận được, nhưng có những lúc cuộc sống xảy ra nhiều chuyện và người hàng xóm tối lửa tắt đèn có thể giúp mình những điều mà nhiều khi người thân ở xa không làm được.