Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy nhiều tài khoản “hành nghề” review phim trên Facebook, YouTube, Tiktok... Các tài khoản này có “công suất” hoạt động rất cao, một ngày có thể đăng tải 7-8 video được cắt ghép từ trailer (giới thiệu tóm tắt) của nhà sản xuất công bố. Có thể nói đây là một pha lách luật, khó kiểm soát nội dung và bản quyền.
Các tài khoản review phim thậm chí còn thuật lại cả những bộ phim đang được công chiếu hoặc vừa ra mắt trên các nền tảng xem phim trực tuyến. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của phim cũng như trải nghiệm xem phim của khán giả. Huyền Linh (23 tuổi, ngụ quận 11) chia sẻ: “Vài ngày sau khi Cruella (2021) công chiếu, tôi vô tình thấy một video review phim, có lượt xem rất cao và vào xem thử. Nhưng nào ngờ, video đã kể toàn bộ nội dung phim. Sau đó, tôi cũng không còn hứng thú với bộ phim như lúc trước vì đã biết hết các tình tiết quan trọng”.
Không chỉ làm khán giả “mất hứng”, họ còn ẩu đến mức làm tóm tắt khi chưa xem hết phim. Tấn Phương (26 tuổi, ngụ quận Tân Phú) cho biết: “Tôi đã xem một số clip của tài khoản King review trên Facebook và bức xúc đến mức không thể xem đến hết. Họ đã kể lại toàn bộ nội dung chính của phim, đây là điều tối kỵ trong việc bình luận và đánh giá. Đã thế, một số clip còn kể sai lệch đến 50% nội dung của phim”.
Không phải tự nhiên mà việc tiết lộ nội dung phim bị xem là cấm kỵ. Cách đây không lâu, khi bộ phim Bố già công chiếu, nhà sản xuất yêu cầu người xem, các reviewer (người bình luận và đánh giá phim) không được tiết lộ những tình tiết quan trọng và gây bất ngờ của phim. Hầu hết các kênh, trang review uy tín luôn đảm bảo không tiết lộ các nội dung chính của phim đang chiếu rạp hoặc vừa được ra mắt. Với những phim đã được chiếu từ lâu, người xem cũng được cảnh báo rằng một số nội dung phim sẽ được tiết lộ.Tuy nhiên, các tình tiết gây bất ngờ cũng được hạn chế nhắc đến. Việc này nhằm đảm bảo khán giả có những trải nghiệm tốt nhất khi xem phim cũng như tôn trọng đội ngũ sản xuất.
Khi xem một bộ phim, khán giả sẽ được đắm mình vào bối cảnh phim, đồng hành cùng nhân vật và trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Các video kiểu này hoàn toàn không thể thay thế trải nghiệm xem phim mà chỉ làm mất đi tính tò mò của khán giả đối với một bộ phim. Hành động này đang đánh trực tiếp vào ngành sản xuất phim ảnh - vốn đã rất khó khăn trước dịch bệnh. Cách đây vài ngày, cảnh sát Nhật Bản đã bắt giữ 3 đối tượng với hành vi tự ý cắt ghép cảnh phim và đăng trên YouTube. Liệu rằng đã đến lúc các cơ quan chức năng Việt Nam và khán giả Việt nên hành động?