Trong thời kỳ bùng nổ thông tin mạng như hiện nay, việc đảm bảo truyền tải thông tin chính thống một cách nhanh nhất đến bạn đọc đòi hỏi người làm báo, nhất là các phóng viên trẻ, phải hội đủ nhiều kỹ năng. Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, các phóng viên trẻ Báo Sài Gòn Giải Phóng đã chia sẻ những tâm sự, suy nghĩ và mong muốn về nghề.
Phóng viên THU HƯỜNG: Mong cơ quan chức năng cởi mở hơn với báo chí
Công tác tại Báo Sài Gòn Giải Phóng - tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM, tôi luôn nhận thức được chức năng, nhiệm vụ của mình đối với Đảng, với chính quyền và người dân thành phố. Phóng viên trẻ chúng tôi được Ban biên tập quán triệt rất kỹ về đạo đức nghề nghiệp, về nhiệm vụ chính trị, về sứ mệnh cung cấp thông tin cho bạn đọc. Trên mặt báo, sự thật luôn được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu để đảm bảo bạn đọc tiếp nhận thông tin chính xác nhất.
Để làm được điều đó, nhất là trong thời kỳ bùng nổ thông tin và phải cạnh tranh với các trang mạng xã hội, kịp thời định hướng dư luận hiểu đúng bản chất vấn đề, thì sự hỗ trợ từ lãnh đạo thành phố, các sở ngành và chính quyền các quận huyện... là rất quan trọng. Song, hiện nhiều đơn vị còn giữ khoảng cách với báo chí, chưa cởi mở trong cung cấp thông tin cho báo chí. Sự cứng nhắc, thiếu linh hoạt trong quy trình cung cấp thông tin cho báo chí vô tình trở thành rào cản lớn để thông tin chính thống đến được bạn đọc. Trên “trận chiến” thông tin, thua về thông tin là thua về nhiều mặt. Tôi hy vọng không chỉ lãnh đạo thành phố mà các sở ngành, quận huyện, các cơ quan, đơn vị luôn kết nối chặt chẽ và cởi mở hơn với báo chí. Nhất là trong các thông tin sự kiện, sự việc được dư luận quan tâm.
Phóng viên ĐÌNH DƯ: Người làm báo phải đa kỹ năng
Điều tự hào với tôi chính là được công tác tại Báo Sài Gòn Giải Phóng. Chính nơi đây đã và đang cho tôi nhiều cơ hội làm nghề. Tôi được thử sức và thể hiện hết mọi kỹ năng của một phóng viên đa năng trong thời buổi làm báo hiện đại. Trong thời kỳ phát triển như hiện nay, ngoài kỹ năng viết là yếu tố tiên quyết cần phải có, thì các phóng viên cần trang bị thêm các kỹ năng khác như chụp ảnh, quay phim, dựng phim, đọc lời bình, biên dịch, phiên dịch… để luôn có sự chủ động trong hoàn thiện tác phẩm của mình.
Là phóng viên tờ báo Đảng, ngoài thường xuyên rèn luyện để có chuyên môn giỏi thì đối với tôi, yếu tố đạo đức phải đặt lên hàng đầu. Một phóng viên nếu không tỉnh táo để giữ đạo đức nghề sẽ rất dễ rơi vào cạm bẫy của sức mạnh thị trường, đồng tiền. Đối với tôi, nghề báo là công việc hết sức đặc thù, vất vả nhưng nếu có đam mê, yêu tin tức, yêu con chữ, thì dù có khó khăn vẫn luôn sống được với nghề một cách trọn vẹn.
Phóng viên HỒ SƠN: Không muốn phụ lòng tin của bạn đọc
Là người không được đào tạo bài bản về nghề báo, những ngày đầu mới về làm việc tại Báo Sài Gòn Giải Phóng, tôi may mắn nhận được sự hỗ trợ và giúp đỡ của Ban biên tập cùng các anh chị phóng viên đi trước. Tôi được tham gia các khóa đào tạo về đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ, cũng như sứ mệnh cung cấp những thông tin hữu ích, chính thống đến bạn đọc. Từ đó, tôi hiểu rằng bạn đọc chính là lẽ sống của nghề nghiệp mà mình đang theo đuổi. Hiểu được như vậy, trên cương vị là một phóng viên, tôi luôn luôn nhắc mình không ngừng học hỏi, trau dồi, tìm kiếm và phát hiện những thông tin, đề tài hay, đa dạng để cung cấp đến bạn đọc một cách trung thực, khách quan nhất.
Ngày nay, với sự phát triển đa dạng và chóng mặt của mạng xã hội, tôi luôn cố gắng để mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và nhanh nhất. Tôi tin rằng, lúc nào bạn đọc cũng có nhu cầu được đọc những thông tin hữu ích, trung thực và khách quan. Đây cũng chính là động lực để tôi làm tốt hơn công việc của mình.
Phóng viên ĐOÀN KIÊN: Sau gian khó là nụ cười
Là người viết báo trẻ, ngay từ những ngày đầu làm cộng tác viên, rồi trở thành phóng viên chính thức tại một tờ báo lớn như Báo Sài Gòn Giải Phóng, tôi luôn đặt trách nhiệm nghề nghiệp lên hàng đầu và sẵn sàng nhận mọi thử thách khi có cơ hội.
Là phóng viên thường trú tại tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, những địa phương vùng núi, địa bàn tác nghiệp xa, nên tôi cũng như các đồng nghiệp gặp nhiều khó khăn. Khác với những vùng có sóng điện thoại ổn định, khi chúng tôi tác nghiệp thông tin mang tính thời sự tại vùng rừng núi, xa khu dân cư thì những khái niệm “nhanh, chính xác” trở nên khó khăn, bởi sẽ phải di chuyển rất xa, rất lâu để chúng tôi đến với nguồn tin cũng như đến nơi có sóng để thông tin về tòa soạn.
Khó khăn nhất chính là những lần tác nghiệp trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mưa bão, nhưng đòi hỏi thông tin phải nhanh và chính xác. Những lúc như thế, khi hoàn thành một bài viết, niềm vui của người làm báo như chúng tôi lại được nhân lên, sau gian khó sẽ là những nụ cười.