Ý kiến nhiều nhưng tựu trung chỉ có một ý là muốn thành công thì phải có sản phẩm tốt, có phim và họa phẩm chất lượng mang hồn dân tộc. Song để làm được, để người nước ngoài nhìn vào thấy ngay sản phẩm Việt, không giống Hàn, không giống Tây thì quá khó, khó như phải tìm vaccine ngừa Covid-19 khi chúng ta thiếu hụt năng lượng sáng tác, phải trông chờ vào cái gọi là “remake” (làm lại), Việt hóa từ kịch bản gốc của nước ngoài.
Bắt đầu từ phim doanh thu khủng cán mốc trăm tỷ đồng là phim Em là bà nội của anh, được remake từ phim Hàn, cả làn sóng phim làm lại từ xứ sở Kim chi đổ bộ lên màn ảnh Việt.
Mới nhất là phim Bằng chứng vô hình mới chiếu rạp trước khi dịch Covid-19 tái phát. Ít nhất thì trong điện ảnh người ta còn có dũng khí mua bản quyền, tuyên bố là “phim remake” trong khi chờ một kịch bản phim Việt có chất lượng xứng tầm.
Nhưng trong hội họa, rất khó để các họa sư thừa nhận tranh mình là “tranh chép”, “tranh remake” mà ranh giới giữa “chịu ảnh hưởng” đến “đạo tranh”, “cầm nhầm tranh” hết sức mong manh.
Hàng loạt cuộc thi mỹ thuật gần đây đã phát hiện những vụ gian lận khó tin: có cuộc thi tranh mà từ giải đặc biệt đến giải nhất, nhì, ba đều giống như hai giọt nước với nguyên tác nước ngoài từ bố cục, màu sắc, hình họa đến ý tưởng.
Nhìn rộng ra từ đầu đường người ta đã có thể chiêm ngưỡng các họa phẩm tranh cổ động theo “trường phái Liên Xô, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên”, chỉ khác mũi ta thì tẹt, mặt ta to hơn một chút.
Sang trọng hơn là các khách sạn 5 sao cũng treo cho đẹp các tranh nhái, tranh chép không xin phép tác giả nguyên tác. Có lần một họa sĩ có tiếng đã nói thì… ở thế giới cũng thế. Picasso bê nguyên bức sơn dầu Las Meninas của bậc tiền bối Diego Velázquez vào tranh của mình mà về sau vẫn được coi là kiệt tác đó!
Thật ra, nói Picasso đạo tranh cũng oan uổng vì ông chỉ remake, sử dụng tác phẩm của bậc thầy làm nguồn nguyên liệu chính, sáng tạo trên phương diện làm mới và có dấu ấn riêng của tác giả.
Tuy nhiên, cần phân biệt rõ giữa vay mượn tư liệu sáng tác trong remake với chép và đạo tranh thô thiển. Chúng ta không cấm sao chép tranh nếu có sự đồng ý của tác giả bản gốc và nếu tác giả qua đời được 50 năm thì… chép kiểu gì cũng được. Song dường như điều căn bản này của Luật Sở hữu trí tuệ đã bị làm ngơ với lý do “chúng tôi không hề chép tranh của họa sĩ đương đại mà chỉ học tập những cái hay của mỗi người một ít”.
Và dù có phân bua gì chăng nữa, chúng ta không thể xây dựng một nền công nghiệp văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc nếu chỉ chạy theo xu hướng thị trường là copy - paste và remake các sản phẩm văn hóa nước ngoài.