Theo kế hoạch, năm 2012 tới, nhà máy Bauxite Tân Rai (Bảo Lâm, Lâm Đồng) sẽ cho ra sản phẩm. Trước mắt, sản phẩm bauxite và các loại vật tư phục vụ sản xuất của nhà máy sẽ được vận chuyển theo tuyến đường từ Tân Rai (Bảo Lâm) - Bảo Lộc, theo quốc lộ 20 về cảng Gò Dầu, Đồng Nai (và ngược lại). Lâu dài, sản phẩm bauxite sẽ được chuyển từ Tân Rai qua quốc lộ 55 về cảng Kê Gà, Bình Thuận. Tuy nhiên, cho đến nay, phương án cảng Kê Gà đang được triển khai với tiến độ chậm như “gà đi bộ”…
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương, cho biết: Do công tác đền bù giải tỏa đang gặp rất nhiều khó khăn, chưa thu hồi được đất, nên việc khởi công Cảng nước sâu Kê Gà chưa thể tiến hành.
Cảng Kê Gà (tại huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) đã được Chính phủ phê duyệt xây dựng nhằm phục vụ việc vận chuyển bauxite xuất khẩu. Tỉnh Bình Thuận cũng đã có quyết định thu hồi đất của 13 dự án du lịch để giao mặt bằng cho chủ đầu tư là Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Nhưng hiện phương án đền bù cho các dự án du lịch vẫn “rối”, nên dự định khởi công cảng nước sâu Kê Gà cuối năm 2011 phải đình lại. Để đẩy nhanh tiến độ, tỉnh đã thành lập Tổ thẩm định hồ sơ đền bù giải tỏa khu vực này, tuy nhiên, việc đền bù vẫn chưa thống nhất giữa các bên.
Theo ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Bình Thuận, hiện giá đất, giá vật liệu và nhiều chi phí khác quá chênh lệch so với cách đây 5 năm, vì vậy, rất khó cho việc kê khai chi tiết. Trong quá trình đầu tư, có rất nhiều khoản chi phí không được tính vào dự án, nên thiệt thòi cho các nhà đầu tư.
Đơn cử như dự án du lịch của Công ty TNHH Thạnh Đạt, dù công ty đồng ý giao đất cho tỉnh nhưng không đồng ý với mức bồi thường quá thấp. Công ty đề nghị tỉnh đền bù 25 tỷ đồng về các khoản chi phí như: xây dựng, san lấp mặt bằng, chi phí cơ hội đầu tư… Tuy nhiên, Tổ thẩm định chỉ chấp nhận bồi thường hơn 2 tỷ đồng. Ông Hồ Lâm, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) cho biết nhiều khoản chi phí doanh nghiệp kê khai quá lớn, Tổ thẩm định chưa đủ cơ sở để xem xét, hỗ trợ, nên không chấp nhận.
Có 13 dự án du lịch nằm trong diện phải di dời để xây dựng cảng. Hiện Sở TN-MT chỉ mới thẩm định bồi thường 4 dự án du lịch của Doanh nghiệp tư nhân nhà hàng khách sạn Lâm Sơn, Công ty TNHH du lịch Thạnh Lợi, Công ty TNHH Thạnh Đạt và Công ty TNHH Thái Dương. Việc bàn giao mặt bằng vẫn chưa xong, vì bên thẩm định đưa ra mức giá quá thấp so với yêu cầu của các đơn vị này.
Theo quy hoạch, Cảng nước sâu Kê Gà có chiều dài 2,3km với tổng diện tích 366ha, trong đó, 70ha trên đất liền và 296ha mặt nước biển. Tổng vốn đầu tư cả 3 giai đoạn của dự án khoảng trên 1 tỷ USD. Riêng giai đoạn 1 có vốn đầu tư khoảng 4.100 tỷ đồng. Cảng nước sâu Kê Gà đưa vào khai thác sẽ rút ngắn cung đường, giảm chi phí vận chuyển sản phẩm bauxite, giải tỏa áp lực cho tuyến đường từ Lâm Đồng và Đắc Nông về cảng Gò Dầu, Đồng Nai.
Để chuẩn bị cho việc vận chuyển sản phẩm bauxite của nhà máy Tân Rai, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Giao thông - Vận tải xem xét, lựa chọn nhà thầu thực hiện việc thi công theo phương thức BT (xây dựng - chuyển giao) tuyến quốc lộ 20 từ Bảo Lộc về Đồng Nai. Tuyến đường này dài khoảng 270km, dự toán kinh phí 4.000 tỷ đồng. Tỉnh Lâm Đồng cũng đã hoàn thành phương án xây dựng tuyến đường tránh thành phố Bảo Lộc (Tân Rai - Lộc Sơn), với dự toán 1.000 tỷ đồng, hiện đang chờ vốn để thi công.
Việc vận chuyển sản phẩm bauxite qua tuyến quốc lộ 20 từ Lâm Đồng về cảng Gò Dầu độ dài hàng trăm cây số trên đường dân sinh, với mật độ xe dày đặc, trọng tải lớn, sẽ rất nhiều bất cập. Vì vậy, tuyến đường này được xác định chỉ là phương án trước mắt, khi chưa có cảng Kê Gà. Hiện tại, hai tuyến đường tỉnh lộ 714 và quốc lộ 55 của Bình Thuận cũng được Tập đoàn TKV đưa vào làm đường vận chuyển bauxite từ Tây Nguyên xuống Bình Thuận khi cảng nước sâu Kê Gà xây dựng xong.
B.Nguyên - Nguyên Vũ