Rau củ, thực phẩm… "đầy ắp" thị trường

Chiều 7-2, Bộ Công thương có báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại trong tháng đầu tiên của năm 2024, đồng thời cung cấp thông tin về thị trường, sức mua Tết Giáp Thìn 2024.

img-6028-8130.jpeg
Người dân tranh thủ mua sắm các loại thực phẩm tết tại một siêu thị. Ảnh: VĂN PHÚC


Hàng hóa dồi dào, nhu cầu thực phẩm tăng cao

Theo Bộ Công thương, hiện nay, thị trường hàng hóa sôi động hơn, nhu cầu đối với các mặt hàng thực phẩm, bánh mứt kẹo, hàng may mặc… tăng. “Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi tình kinh tế khó khăn nên nhu cầu tiêu dùng trong giai đoạn gần tết năm nay không tăng cao như mọi năm”, Bộ Công thương đánh giá.

Trong khi nguồn cung các mặt hàng thiết yếu trên thị trường luôn dồi dào, giá cả không có biến động lớn. Tại các địa phương, nhiều chương trình hội chợ, triển lãm, khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng được tổ chức để thúc đẩy sức mua trong dịp tết.

Tại Hà Nội, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ tết khoảng 40.900 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với tết năm 2023. Còn tại TPHCM, riêng các doanh nghiệp bình ổn thị trường đã chuẩn bị hơn 22.000 tỷ đồng. Các mặt hàng bình ổn thị trường chiếm thị phần từ 25% đến 43%.

Trong 2 tháng (trước và sau) Tết Giáp Thìn, tại TPHCM, bình quân mỗi tháng có thể cung ứng 7.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10.000 tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thủy hải sản…

Đồng thời, doanh nghiệp sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết, tổ chức bán hàng lưu động, kiên quyết không để xảy ra khan hiếm, thiếu hàng hóa, mất cân đối cung cầu trong mọi tình huống.

img-6058-5814.jpeg
Đồ khô, thực phẩm tết được người dân mua nhiều
img-6056-9856.jpeg
Hàng hóa đầy ắp ở các siêu thị Tết Giáp Thìn 2024

Tổng mức bán lẻ vẫn tăng cao

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng cũng cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 1-2024 trên cả nước ước đạt khoảng 524.115,6 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng 12-2023 và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước (tháng 1-2023 do trùng với Tết Nguyên đán Quý Mão nên tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng tương đối cao, đạt 13,3% so với cùng kỳ năm 2022).

Trong đó, nhóm bán lẻ hàng hóa tăng 7,3% với sự gia tăng của nhóm lương thực, thực phẩm tăng 6,2%; nhóm vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 22,5%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 13,4%; các nhóm còn lại tăng 1,5-2,5%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 10,2%; du lịch lữ hành tăng 18,5% và dịch vụ khác tăng 11,2%. Nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 1-2024 tăng 5,8% so với tháng 1-2023.

Trao đổi với PV Báo SGGP ngày 7-2, đại diện Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ tổng hợp WinCommerce thông tin, những ngày cận Tết Giáp Thìn, sức mua tại chuỗi hệ thống siêu thị WinMart và cửa hàng tiện ích Winmart+ của đơn vị này tăng khoảng 15-20% so với các tháng khác trong năm. Đặc biệt là dịp tết này, số lượng đơn đặt hàng qua thương mại điện tử, đặt hàng online tăng 30% so với tháng thường và tăng 25% so với cùng kỳ tết năm 2023. Do đó, doanh thu từ hoạt động bán hàng online của WinCommerce dự kiến tăng khoảng 21% so với tết năm 2023.

“Nhóm hàng được mua nhiều hiện nay gồm: thịt, trái cây, thực phẩm khô, đồ gia dụng, bánh kẹo tết, mứt tết, đồ uống, thực phẩm khô. Đơn hàng trung bình dao động khoảng 250.000-260.000 đồng/lượt. Riêng từ ngày 30-1 đến 5-2, lượt đặt mua giỏ hàng biếu tết tăng đột biến với giá trị mua trung bình tăng lên 450.000 đồng/lượt mua”, đại diện WinCommerce thông tin.

Chuỗi hệ thống này cũng vừa thông báo sẽ mở cửa đến 12 giờ trưa 9-2 (tức 30 tết) và mở trở lại từ sáng mùng 4 tháng Giêng năm Giáp Thìn.

Tin cùng chuyên mục