Các ý kiến tại hội thảo là nguồn thông tin tham khảo góp phần phục vụ Quốc hội khóa XV cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo tại kỳ họp thứ 8 tới đây.
Nhấn mạnh sự cần thiết phải định danh nhà giáo, PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, đây là một nội dung rất quan trọng của Dự thảo Luật Nhà giáo lần này.
“Nếu không rõ ràng sẽ dẫn đến sự mâu thuẫn, chồng chéo về nội dung trong các đạo luật có liên quan đến lĩnh vực giáo dục. Theo đó, để giải mã khái niệm nhà giáo cần làm rõ thế nào là nhà giáo? Nhà giáo bao gồm những ai, cá nhân nào? Dựa vào các tiêu chí cụ thể nào để nhận biết, xác định về nhà giáo?”, ông Tuyến phát biểu.
Liên quan tới chính sách đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo, TS Ngô Linh Ngọc, khoa Pháp luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội đề nghị tiếp tục thực hiện chủ trương về cải cách chính sách tiền lương theo quy định của Nghị quyết 27-NQ/TW và tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW; có quy định cụ thể và phù hợp về cơ chế tôn vinh; bổ sung thêm một số chính sách về phúc lợi xã hội, nâng cao các mức hỗ trợ nghiên cứu; tách rời chức danh giảng viên đại học và viên chức nhà nước...
Theo chuyên gia này, các quy định phải theo hướng tạo điều kiện cho nhà giáo công tác ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có cơ hội tiếp cận đầy đủ các chính sách, có các hỗ trợ đặc thù để thu hút nhà giáo về công tác.
Bên cạnh đó, một số ý kiến tại hội thảo đề nghị xây dựng một hệ thống tiêu chuẩn đào tạo và đánh giá nhà giáo nhất quán, áp dụng cho cả khu vực công lập và ngoài công lập; có cơ chế đặc thù hỗ trợ cơ sở giáo dục công lập; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của dự thảo Luật Nhà giáo trong hệ thống pháp luật hiện hành; cân nhắc nguồn lực để bảo đảm thực thi các quy định về phụ cấp, chế độ hỗ trợ cho nhà giáo.