Không khí ảm đạm
Dạo quanh một vòng các rạp chiếu phim của các nhà phát hành lớn, ở thời điểm này có thể nhận thấy, mức độ ảnh hưởng khá rõ rệt. Tại cụm rạp CGV Đồng Khởi (quận 1, TPHCM) dù ở khu vực trung tâm nhưng khán giả cũng khá thưa vắng. Còn cụm rạp Lotte Cinema ở quận Gò Vấp tình hình cũng không khả quan hơn. Trước đó, vào tối 5-2, buổi ra mắt bộ phim Little Women (Những người phụ nữ bé nhỏ), tác phẩm rất được chú ý tại mùa giải Oscar năm nay, tổ chức tại cụm rạp Galaxy Nguyễn Du (quận 1, TPHCM) cũng không nhộn nhịp như thường lệ.
Khi được hỏi Covid-19 đã và đang ảnh hưởng đến phía cụm rạp BHD như thế nào, bà Ngô Thị Bích Hiền, đại diện nhà phát hành BHD, chia sẻ: “Ảnh hưởng rất lớn. Tết năm nay, do phim không đa dạng như mọi năm, cũng là cơ hội rất tốt cho phim Việt, nhưng ngay những ngày đầu năm, Covid-19 đã làm ảnh hưởng nhiều tới số lượng người đi xem”.
Cùng chung nhận định, theo chuyên gia truyền thông Trần Xuân Phúc, ngay khi công bố dịch, rạp phim đã được xếp vào các địa điểm ít nên đến vì không gian kín, dễ dàng lây lan dịch bệnh.
“Đối với các phim tết, đặc biệt là Gái già lắm chiêu 3, sau 6 ngày công chiếu đầu tiên, có thể nhận ra lượng khán giả giảm đi mỗi ngày. Cho đến mùng 7 Tết, lượng khách giảm 30% - 40%. Điều này dẫn đến hệ lụy là sức bật của các cụm rạp mất đi trong thời điểm thu hút khán giả nhất sau tết. Nếu như năm ngoái vào thời điểm này, Hai Phượng và Vu quy đại náo kéo rất nhiều khán giả đến rạp thì năm nay là sự ảm đạm. Nếu với tình hình tiếp diễn, khả năng các phim phải dời ngày phát hành để đảm bảo doanh thu, dẫn thêm hệ lụy là lượng phim ùn ứ ra vào các thời điểm thấp điểm và nhận được kết quả không mong muốn”, anh Xuân Phúc phân tích. Ở góc độ người làm truyền thông, anh Xuân Phúc cũng cho rằng, thời điểm này không thể có một chiến dịch nào hoàn chỉnh, việc quảng bá dễ rơi vào tình trạng ngoài ý muốn.
Ở góc độ khán giả, chị Vũ Yến (quận Tân Bình, TPHCM) hay chị Kim Thu (quận Gò Vấp, TPHCM) khẳng định, dù là tín đồ của phim ảnh nhưng thời điểm này chị nhất quyết “cự tuyệt” đến rạp vì sợ nguy cơ lây lan dịch bệnh. Bạn Chu Ngọc Anh Thư (quận 3, TPHCM) lại có quan điểm trái ngược khi cho rằng, book vé online nên không ngại việc ra rạp.
Nhiều biện pháp bảo vệ
Dù không e ngại chuyện ra rạp xem phim giữa mùa dịch nhưng Anh Thư cho biết, bên cạnh thói quen luôn mang theo nước rửa tay khô, cô không quên trang bị khẩu trang để bảo vệ bản thân.
Trên thực tế, khi Covid-19 diễn biến phức tạp, các cụm rạp đã ý thức việc bảo vệ an toàn cho khán giả. Trên fanpage của hầu hết các cụm rạp đều có những hướng dẫn khán giả đeo khẩu trang, giữ gìn vệ sinh để đảm bảo sức khỏe. Những tờ thông tin hướng dẫn, nước rửa tay tiệt trùng… cũng được một số rạp trang bị.
Bà Bích Hiền cho biết: “Chúng tôi đã mua khẩu trang cho nhân viên, hướng dẫn cụ thể về việc dọn vệ sinh theo tiêu chí sạch gấp 3 lần so với ngày thường, bằng cách cứ 15 phút lại có nhân viên vệ sinh đi lau dọn, ở mỗi điểm soát vé có nước rửa tay tiệt trùng cho khách trước khi vào rạp và để sẵn khẩu trang cho khách”.
Phía CGV cũng cho biết, đã triển khai hàng loạt biện pháp: Kiểm tra thân nhiệt nhân viên trước khi vào ca; yêu cầu nhân viên rửa tay và sát khuẩn 20 phút/lần trong ca làm việc; trang bị khẩu trang y tế cho nhân viên; tiến hành khử trùng cụm rạp. “Trong trường hợp khách hàng có những dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, nhân viên CGV lập tức cách ly và hỗ trợ đưa khách đến trung tâm y tế gần nhất, hoặc liên lạc đến số hotline của Bộ Y tế để được tư vấn kịp thời”, đại diện CGV chia sẻ thêm.
Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nhưng các rạp chiếu vẫn cố gắng duy trì hoạt động. Điều đó góp phần giúp các phim Việt có doanh thu tốt, trong đó Gái già lắm chiêu 3 đã cán mốc 165 tỷ đồng sau 2 tuần công chiếu. Hầu hết các cụm rạp tiết lộ, họ luôn theo dõi thông tin về dịch bệnh để có những biện pháp ứng phó kịp thời. Bà Bích Hiền cũng cho biết, bộ phim Bí mật của gió đã ngưng phát hành dù các hoạt động quảng bá cho phim đã hoàn thành.