LTS: Một trong những nội dung của Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý và sử dụng internet, mạng xã hội (MXH). Để thực hiện tốt nội dung này đòi hỏi tổng hợp nhiều giải pháp, nhưng trước hết là nâng cao năng lực sử dụng và an toàn trên không gian mạng cho thế hệ trẻ, để từ đó nhận diện nội dung độc hại, xuyên tạc sự thật và bày tỏ quan điểm, tiếng nói phản bác.
Vừa lo vừa rối
Những tưởng câu chuyện ăn cắp danh tính chỉ xảy ra với người nổi tiếng hay giới kinh doanh, đến khi hình ảnh chính mình xuất hiện trong một nhóm kêu gọi đầu tư tiền ảo, Trần Thị Anh. Đ. (học sinh lớp 12, ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) vội vàng nhờ gia đình và nhà trường hỗ trợ. Là lớp phó văn thể mỹ, Đ. thường chia sẻ hình ảnh sinh hoạt của lớp và gắn thẻ (tag) tài khoản các bạn trên trang cá nhân.
Cùng với sự nhanh nhẹn, hoạt bát đó, Đ. cũng tham gia các khảo sát được gợi ý trên MXH Facebook, nhanh chóng có mặt, bình luận trong các nhóm chia sẻ những vấn đề liên quan đến cuộc sống gen Z. Một ngày, bạn bè phát hiện hình ảnh cá nhân Đ. trở thành ảnh đại diện của một tài khoản nam tên T.K.H., giới thiệu là chuyên viên tài chính, chuyên tư vấn đầu tư tiền kỹ thuật số.
“Em báo ba mẹ và cô giáo chủ nhiệm, mọi người dùng tài khoản cá nhân, đồng loạt report tài khoản kia vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng, và Facebook áp dụng tiêu chuẩn cộng đồng, tài khoản đó bị khóa. Đây là bài học cho em, vì lúc mới chơi Facebook, fanpage nào đăng hình vui vui là em bình luận, bất kể người lạ hay quen gửi lời kết bạn em cũng chấp nhận”, Đ. kể.
Câu chuyện của Đ. không cá biệt khi lượng người truy cập vào không gian mạng ngày càng nhiều, nhất là lứa tuổi học sinh. Qua ghi nhận, nhiều phụ huynh cho biết theo sát con mình trong “thế giới ảo”, nhưng không thể kiểm soát hết con like (thích) cái gì, bình luận ở đâu, kết bạn với ai, xem gì, đăng hình gì…
“Mình đồng hành cùng con chứ không thể theo dõi từng chút một được, thậm chí có đứa khi có tài khoản mạng xã hội, nguyên tắc đầu tiên không kết bạn với bất kỳ thành viên nào trong gia đình. Lo con gặp chuyện không hay, ảnh hưởng lệch lạc từ nội dung độc hại trên MXH, nhưng tôi cũng rối trong việc tìm phương án thích hợp”, chị Nguyễn Thị Bình Minh (32 tuổi, nhân viên kế toán, quận 8, TPHCM) bày tỏ.
Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), tính đến tháng 8-2022, có tới 82% trẻ em Việt Nam độ tuổi 12-13 có sử dụng internet và con số này tăng lên 93% đối với trẻ từ 14-15 tuổi. Điều này cho thấy mức độ tham gia các hoạt động trên không gian mạng của trẻ em ở Việt Nam là rất lớn, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19.
Tương tự, kết quả khảo sát của Cục Trẻ em (Bộ LĐTB-XH) thực hiện năm 2022 (thời gian khảo sát khoảng 3 tháng) cũng cho thấy 89% trẻ em truy cập và sử dụng internet, và 87% trong số đó sử dụng internet hàng ngày. Ngoài thời gian dành cho việc học, trung bình trẻ em sử dụng 5-7 giờ/ngày vào MXH. Trong khi đó, chỉ 36% trẻ em và thiếu niên (hầu hết ở độ tuổi 16-17) được dạy về việc đảm bảo an toàn trên mạng.
Ngày 24-10 vừa qua, 42 tổng chưởng lý ở Mỹ tuyên bố kiện Meta - công ty mẹ của Facebook, Instagram với cáo buộc gây tổn hại đến sức khỏe tâm thần của trẻ vị thành niên và góp phần gây ra cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở nước này. Vụ kiện nhằm mục đích ngăn chặn các hoạt động kinh doanh có hại và buộc Meta phải ưu tiên đảm bảo an toàn cho người dùng trẻ với công cụ mặc định, thay vì công cụ tùy chọn trên các ứng dụng của công ty này. Trước đó, ngày 10-10, Bang Utah (Mỹ) đã kiện TikTok với cáo buộc “dụ dỗ” trẻ em vào thói quen sử dụng MXH đến mức nghiện và không lành mạnh.
Những cuộc bắt nạt “vô hình”
Thực tế đã xảy ra rất nhiều câu chuyện buồn, đáng tiếc xuất phát từ MXH. Ngay cả hành vi bắt nạt trẻ em, bạo lực học đường không chỉ diễn ra cảnh xô xát hay đánh nhau như thường thấy lâu nay, mà hiện còn diễn ra trên không gian mạng. Câu chuyện về đứa con gái trở nên chán chường và lầm lì của chị Đỗ Hạnh T. (43 tuổi, quận Bình Thạnh) là một ví dụ. Chị T. kể: “Hai vợ chồng tôi phải gần một tuần sát cánh bên con, con mới chịu nói. Cháu kể có chia sẻ một bài viết trong nhóm học Anh văn tại trung tâm.
Kết nối trong không gian mạng mang lại nhiều tiện ích cho trẻ học tập, giải trí nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro |
Bài viết chia sẻ dưới dạng ẩn danh, cháu bày tỏ ý kiến về chuyện chia nhóm trong lớp học, không hiểu sao admin của nhóm để lộ thông tin người chia sẻ. Bài viết của cháu bị các bạn nhại lại, bình luận xúc phạm. Gia đình phải trao đổi với trung tâm Anh văn và liên hệ admin nhóm đó để xóa bài ngay. Chỉ có vậy nhưng cháu bị ảnh hưởng tâm lý nhiều, ngại giao tiếp một thời gian khá dài”.
Số liệu thống kê từ DataReportal (trang tổng hợp và cung cấp miễn phí các báo cáo tiếp thị số trên toàn thế giới) ước tính đến tháng 2-2023, có khoảng 49,9 triệu người sử dụng TikTok tại Việt Nam, và Việt Nam xếp thứ 6/10 quốc gia có lượng người sử dụng TikTok nhiều nhất thế giới. Trong đó, người trẻ truy cập vào nền tảng chia sẻ video này ngày càng nhiều, nhưng chính sách để bảo vệ đối tượng trẻ em trên nền tảng này gần như không có.
Kết quả công bố đầu tháng 10 vừa qua từ Bộ TT-TT cũng cho thấy, nền tảng TikTok có nhiều sai phạm như: không có biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em; không gửi các thông điệp cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp, thay đổi thông tin bí mật đời sống riêng tư; vẫn cho phép trẻ em dưới 13 tuổi mở tài khoản dù nền tảng MXH chỉ dành cho người từ 13 tuổi trở lên…
Trong khi đó, Hiệp hội Tâm lý Mỹ (APA) ước tính có khoảng 4,9 tỷ người dùng MXH trên toàn thế giới trong năm 2023 và cho biết MXH đã gắn liền với cuộc sống của những thanh thiếu niên lớn lên cùng công nghệ. Gần đây, nền tảng TikTok đặt giới hạn thời gian mặc định là 60 phút cho người dùng dưới 18 tuổi, nhưng khi đạt đến thời hạn này, trẻ vị thành niên chỉ cần nhập mật mã để tiếp tục xem mà không xảy ra bất kỳ gián đoạn, giới hạn nào.
Báo cáo Nghiên cứu Ngăn chặn hành vi gây tổn hại - bằng chứng về bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em trên không gian mạng do ECPAT International (mạng lưới toàn cầu gồm các tổ chức xã hội dân sự hoạt động nhằm chấm dứt nạn bóc lột tình dục trẻ em), Interpol và Văn phòng Nghiên cứu UNICEF - Innocenti thực hiện năm 2022 cũng cho thấy, phần lớn các em từng bị bóc lột và xâm hại tình dục trên mạng đã không tiết lộ việc bị bóc lột và xâm hại với ai hoặc chỉ kể với một người bạn.
Theo các chuyên gia, trẻ em “đi trên mạng” là lang thang một mình, xuyên biên giới lãnh thổ mà không có ai đồng hành bảo vệ. Các em có thể bị tổn thương bất cứ lúc nào mà người lớn không hay biết, vì đấy không phải là vết thương về mặt vật lý. Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 vẫn chưa có định nghĩa cụ thể về hành vi bắt nạt, tấn công, đánh cắp danh tính của trẻ em trên không gian mạng.
Điều này dẫn đến khó khăn trong việc xác định hành vi vi phạm và áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp. Hiện tại, chưa có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý các hành vi bắt nạt, tấn công, đánh cắp danh tính trẻ em trên không gian mạng. Điều này dẫn đến tình trạng các vụ việc này thường bị bỏ lỡ hoặc xử lý không kịp thời.
Rủi ro mà trẻ em có thể đối mặt trên không gian mạng
* Dụ dỗ trẻ em qua mạng vì mục đích tình dục (tương tác với trẻ em qua thiết bị công nghệ với ý định xâm hại hoặc bóc lột tình dục trẻ em).
* Tống tình trẻ em (hăm dọa, đe dọa để có được nội dung nhạy cảm hoặc các lợi ích khác từ trẻ em).
* Quấy rối tình dục trẻ em và khiến trẻ em tiếp xúc với nội dung khiêu dâm trái với ý muốn (những hiện tượng có thể hiện diện hoặc tạo điều kiện cho bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em qua mạng).