Việc thành lập phòng tham vấn tâm lý học đường trong các trường học đáp ứng nhu cầu cấp thiết của học sinh, là một giải pháp trong việc xây dựng trường học thân thiện, an toàn và bình đẳng. Tuy nhiên, số học sinh đến các phòng tham vấn tâm lý học đường ở nhà trường lại không nhiều, do nhiều rào cản.
Tâm lý e ngại
Chị Trang Thảo (buôn bán nhỏ ở quận Bình Thạnh, TPHCM) tâm sự: “Con gái tôi 13 tuổi, đang gặp trục trặc trong chuyện tình cảm bạn bè, nên giãi bày với mẹ một cách tin tưởng và cầu cứu cách giải quyết sao cho êm đẹp. Hiểu vấn đề của con, nhưng tôi đã khuyên con đến phòng tham vấn tâm lý của trường hỏi cách ứng xử cho phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi của con. Thế nhưng, con tôi lắc đầu quầy quậy, cứ e ngại, dè chừng không dám đến phòng tham vấn tâm lý chỉ vì sợ bạn bè dị nghị, mặc dù con tôi khá mạnh dạn trong ăn nói”.
Tư vấn cho học sinh tại phòng tham vấn tâm lý học đường Trường THCS Quang Trung (quận 4, TPHCM) Ảnh: THU HƯỜNG
Việc tư vấn tâm lý học đường nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức, trang bị cho học sinh kỹ năng phòng chống, ứng phó với tình trạng bạo lực và xử lý các tình huống có vấn đề trong học tập, cuộc sống; hỗ trợ, chia sẻ và giúp đỡ học sinh giải quyết các khó khăn tâm lý. Vậy tại sao học sinh lại ngại đến phòng tham vấn để giải tỏa, thổ lộ những tâm tư, nguyện vọng của mình? Chúng tôi đã nêu câu hỏi đó với khá nhiều học sinh, và được các em cho biết lý do cơ bản là do ngại. Các em sợ bạn bè biết rồi xầm xì cho rằng mình có vấn đề không hay về tâm lý, và ngại giáo viên tư vấn không giữ được bí mật chuyện mình đang lo lắng, băn khoăn.
Với kinh nghiệm sống còn hạn chế, học sinh cho rằng người tư vấn sẽ không thực sự hiểu được vấn đề mình gặp phải. Các em rất coi trọng mối quan hệ tình bạn, nên khi có vướng mắc là thường tìm kiếm sự hỗ trợ, giúp đỡ từ bạn bè, gặp bạn thân để giãi bày những tâm tư, nguyện vọng, vì cùng trang lứa, có những đặc điểm tâm lý tương đồng, có nhiều nỗi băn khoăn tương tự nên dễ sẻ chia tâm sự. Tuy nhiên, có rất nhiều vấn đề của cuộc sống mà các bạn bè cùng trang lứa không có kiến thức và kinh nghiệm để cho những lời khuyên xác đáng.
Để học sinh thật sự tin tưởng
Những học sinh cá tính mạnh mẽ sẽ tự mình xử lý khi đối diện những vấn đề mâu thuẫn gặp phải trong cuộc sống. Cũng có nhiều em chọn cách tra Google để tìm câu trả lời về vấn đề mình đang băn khoăn. Khi có khó khăn tâm lý, học sinh gắng tự mình giải quyết hoặc tìm kiếm sự trợ giúp từ bạn bè là những cách làm tích cực, chủ động, qua đó không để những ấm ức, lo lắng quá lâu ở trong lòng. Song, vì kinh nghiệm sống và vốn hiểu biết xã hội của các em còn hạn chế, mặt tâm lý và xã hội của học sinh đang dần hoàn thiện, nên đôi khi các em tự giải quyết bằng cách mò mẫm, cảm tính, được chăng hay chớ, không giải quyết được dứt điểm vấn đề. Vì thế, hiệu quả của việc giải quyết các vấn đề tâm lý như vậy chưa cao và vẫn rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ từ cha mẹ, thầy cô và phòng tham vấn tâm lý học đường.
Từ thực tế đó, nhà trường cần thông tin, thuyết phục cho học sinh hiểu việc tham vấn tâm lý không phải là người tư vấn đưa ra lời khuyên cho các em, mà về bản chất là giúp các em tự nhận ra vấn đề, tự lựa chọn phương pháp giải quyết phù hợp với mình, đồng thời nâng cao khả năng ứng phó với vô vàn vấn đề còn có thể xảy ra trong cuộc sống.
Để học sinh thật sự tin tưởng và đến các phòng tham vấn tâm lý học đường khi gặp những vướng mắc tâm lý, rất cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội. Trước hết, học sinh cần có một cơ sở tư vấn đáng tin cậy, đảm bảo sự riêng tư, nhạy cảm và bí mật, đặt ở địa điểm phù hợp. Để được như thế, cần tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, phẩm chất, cho đội ngũ những người tư vấn tâm lý, để họ trở thành những người có uy tín và là điểm tựa tinh thần vững chắc cho học sinh khi các em có vấn đề vướng mắc trong cuộc sống. Nhà trường cần tạo điều kiện để đa dạng hóa các hình thức tư vấn một cách sinh động, có thể tư vấn theo nhóm lớn qua các buổi nói chuyện theo chủ đề học sinh quan tâm, vừa có thể can thiệp sâu một số tình huống khi học sinh có nhu cầu.