Theo tính toán của Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM), hiện nay chi phí vận tải chiếm khoảng 59% chi phí logistics. Trong đó, vận tải đường bộ là chủ yếu, chiếm tới 77%. Đáng lưu ý, trong số này chi phí không chính thức chiếm từ 5% - 10% chi phí vận tải. Đơn cử, chi phí vận chuyển (bằng đường bộ) một container 40 feet từ TPHCM đi cửa khẩu Tân Thanh là 5,8 triệu đồng; trong khi vận chuyển đường biển từ TPHCM đến Mỹ (California) chỉ khoảng 4,6 triệu đồng (tương đương 200 USD). Bên cạnh đó, chi phí bảo dưỡng đường bộ khoảng 17,5 triệu/xe/năm, nhưng doanh nghiệp vẫn phải trả các loại phí BOT; trường hợp xe hỏng, không có hàng và nằm bãi… nhưng phí thì vẫn phải trả!
Nguyên nhân của thực trạng trên được các chuyên gia kinh tế lý giải là do khả năng kết nối giữa các phương thức vận tải còn yếu, không khai thác hết tiềm năng sẵn có của các phương thức vận tải khác để chia sẻ áp lực với vận tải đường bộ, góp phần giảm đầu tư công và hạ chi phí logistics. Ngoài ra, hiện vận tải đa phương thức chưa phát triển do cơ sở hạ tầng bến bãi chưa được quy hoạch và bố trí hợp lý, đầu tư cho việc kết nối các phương thức vận tải thiếu đồng bộ. Những rào cản cản trở trực tiếp sự phát triển của các doanh nghiệp logistics đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến trong “Hội nghị toàn quốc về logistics” diễn ra giữa trung tuần tháng 4-2018. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chi phí logistics cao là rào cản lớn, ảnh hưởng đến sự cạnh tranh của các doanh nghiệp và cản trở sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, việc đầu tư chưa hợp lý giữa các phương thức vận tải và việc kết nối kém đã làm tăng chi phí vận tải. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc cắt giảm chi phí logistics nói chung và chi phí vận tải nói riêng là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay và có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển kinh tế. Do đó, giải pháp cấp bách hiện nay là sớm hoàn thiện các thể chế chính sách, quy định pháp luật về logistics. Trong đó, có cả việc quy hoạch phát triển, phát triển doanh nghiệp, áp dụng kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực logistics.
Cùng với những nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Chính phủ chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tham gia các hiệp định thương mại lớn trên thế giới và khu vực. Qua đó, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là giảm chi phí logistics, phải được quan tâm đúng mức và thực hiện có hiệu quả với các hành động cụ thể của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp tổ chức quán triệt Quyết định số 200/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Bởi đây là nền tảng rất quan trọng của hoạt động logistics.
Về phía các doanh nghiệp logistics cần đầu tư vào công nghệ theo hướng tự động hóa, nâng cao năng lực vận hành. Các doanh nghiệp thương mại điện tử và doanh nghiệp dịch vụ logistics cần “bắt tay” mạnh mẽ nhằm đảm bảo tốt nhất chất lượng hàng hóa, đảm bảo thời gian giao hàng đúng như những gì đã cam kết với khách hàng. Ngoài ra, để tháo gỡ rào cản sự phát triển của ngành dịch vụ logistics, phải thay đổi tư duy trong quản lý ngành logistics để Việt Nam có thể bắt kịp, đi cùng và vươn lên trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, phải nhanh chóng ứng dụng mạnh mẽ các giải pháp về công nghệ nhằm tăng hiệu quả hoạt động của ngành, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Cũng để giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics, các bộ ngành cần thực hiện nghiêm yêu cầu về cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh, cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đảm bảo thực chất và hiệu quả như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.