Rào cản kỹ thuật “bủa vây” hàng xuất khẩu

Tính từ tháng 1-2022 đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam đạt 39,58 tỷ USD, tăng 2,7%. Điều này cho thấy, đà phục hồi sản xuất của doanh nghiệp (DN) đang có nhiều tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn lo lắng khi đang bị sức ép kép: giá xăng tăng và hàng rào kỹ thuật bủa vây. 
May xuất khẩu tại một công ty ở TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
May xuất khẩu tại một công ty ở TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Thị trường nhập khẩu “đua” dựng rào cản 

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động vật thuộc Bộ NN-PTNT (SPS), cho biết, chỉ từ đầu năm đến nay, Văn phòng SPS đã tổng hợp được 57 thông báo của các nước thành viên WTO. Trong đó bao gồm 44 dự thảo và 13 văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động vật, thực vật có thể ảnh hưởng tới mặt hàng nông, lâm và thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. 

Cụ thể, với thị trường Hoa Kỳ, chính phủ nước này sẽ tập trung điều chỉnh mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho phép trên các sản phẩm nông, thủy sản như chuối, đậu xanh, cà phê, sản phẩm chè không đóng gói hoặc chè đóng gói. Tương tự, với thị trường Canada là những điều chỉnh liên quan đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản thô và nông sản đã chế biến. Riêng với thị trường châu Âu thì bổ sung những quy định phòng ngừa, kiểm soát và loại bỏ một số bệnh truyền nhiễm trong thực phẩm chế biến… 

Nhiều thị trường khác như Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Trung Quốc… cũng điều chỉnh biện pháp quản lý kiểm dịch nhập khẩu động vật và thực vật; quy trình giám sát vệ sinh dịch tễ nhà nước tại biên giới hải quan và lãnh thổ hải quan; truy xuất nguồn gốc, ghi nhãn với việc nhập khẩu, lưu trữ, phân phối, thương mại hóa; thiết lập giới hạn tối đa với các chất gây ô nhiễm trong thực phẩm, thực phẩm bổ sung, phụ gia; danh sách các chất phụ gia được phép để sản xuất… nhằm thắt chặt hơn rào cản kỹ thuật với hàng hóa nhập khẩu. 

Đánh giá về vấn đề trên, nhiều DN cho rằng, việc thắt chặt rào cản kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm đối với hàng hóa của các nước xuất khẩu là xu hướng nhiều thị trường nhập khẩu đang áp dụng. Việc thắt chặt này một mặt đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân của họ nhưng quan trọng hơn là làm giảm sức cạnh tranh của hàng ngoại nhập, góp phần ổn định sản xuất trong nước, bởi khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, nhiều sản phẩm của các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam, đang được hưởng mức thuế suất ưu đãi 0%. 

Theo tiến sĩ Lê Thanh Hòa, Phó chủ tịch Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN-PTNT, DN phải liên kết chặt chẽ với nhau, kết hợp phát huy vai trò của hiệp hội ngành nghề để một mặt hỗ trợ nhau cải thiện quy trình sản xuất, xây dựng và mở rộng vùng nguyên liệu sạch; mặt khác, hợp lực tài chính, hồ sơ để ứng phó với tình huống bị kiện phòng vệ thương mại.

DN phải nâng cao năng lực và nhận thức trong việc nắm bắt các quy định về kỹ thuật và yêu cầu về SPS của thị trường xuất khẩu. Thay đổi cách tiếp cận về an toàn thực phẩm từ việc kiểm tra an toàn sản phẩm cuối cùng sang giám sát tại mọi công đoạn trong toàn chuỗi sản xuất.

Song song đó, chuyển hướng sản xuất, xuất khẩu từ chú trọng số lượng sang chất lượng, đảm bảo đáp ứng quy định an toàn thực phẩm của thị trường nhập khẩu. Ở phạm vi rộng hơn, phải thiết lập cơ chế hợp tác giữa cơ quan quản lý - DN - người sản xuất nhằm đảm bảo toàn bộ chuỗi cung ứng và sản phẩm đạt chất lượng an toàn thực phẩm.

Thích ứng an toàn 

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết, DN muốn duy trì và mở rộng thị phần xuất khẩu sẽ không có lựa chọn nào ngoài buộc phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật từ các nước nhập khẩu hàng hóa. Trên thực tế, nhiều DN xuất khẩu trong nước theo dõi rất sát diễn biến của thị trường cũng như chủ động trong chuyển đổi sản xuất. Đơn cử, đối với dệt may, ngay khi đối tác Hoa Kỳ yêu cầu, các DN cung ứng trong nước phải đảm bảo sản xuất xanh, có tính đến yếu tố tái chế tuần hoàn chất thải phát sinh, ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo, trong đó vải phải ưu tiên sử dụng vải thân thiện môi trường. Nhiều DN trong nước đã tiếp cận các tổ chức tài chính, môi trường quốc tế để xây dựng lộ trình chuyển đổi sang sản xuất xanh. Nhờ vậy, ngành dệt may vẫn duy trì đà tăng kim ngạch xuất khẩu mỗi năm khoảng 10%, ước đạt mục tiêu kế hoạch đề ra 40 tỷ USD trong năm 2022. 

Rào cản kỹ thuật “bủa vây” hàng xuất khẩu ảnh 1 Người nuôi trồng cần đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng an toàn thực phẩm và nguồn cung cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), chia sẻ, nếu nói về hàng rào kỹ thuật thì trong ngành chế biến lương thực thực phẩm là nhiều nhất, chặt chẽ nhất. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn vươn lên đứng tốp 10 quốc gia xuất khẩu nông, thủy hải sản và là một trong 5 “giỏ” thực phẩm của thế giới. Điều đó cho thấy, nhiều DN trong nước đã chuyển bộ kịp thời, thích ứng với yêu cầu của nhà nhập khẩu. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay mà nhiều DN quan ngại là nguyên liệu sạch để sản xuất ngày càng khó tìm. Và một khi DN mở rộng thị phần xuất khẩu nhưng nguồn nguyên liệu cung ứng trong nước không đảm bảo, sẽ đẩy DN vào tình huống phải thu hồi hàng hóa và mất uy tín với khách hàng. 

Đáng lo hơn, theo ông Ngô Xuân Nam, có những rào cản kỹ thuật ở một số nước nhập khẩu, từ thời điểm ban hành đến khi áp dụng chỉ khoảng 60 ngày, khiến DN trong nước trở tay không kịp. Do vậy đã có rất nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam buộc phải thu hồi dù đã được thông quan hoặc đã đến cửa khẩu hải quan của nước bạn. Đơn cử, gần đây, một DN xuất khẩu nước ta buộc phải thu hồi lô mì gói xuất sang thị trường châu Âu do dư lượng ethylene oxide vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Chưa dừng lại đó, nhiều nông sản của Việt Nam như thanh long, vú sữa, xoài… cũng đang bị các nước nhập khẩu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ… tăng tần suất kiểm tra do quan ngại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thay vì sử dụng biện pháp đồng chứng nhận hoặc chỉ kiểm tra ngẫu nhiên.

Một diễn biến khác khiến nhiều DN lo lắng chính là biện pháp phòng vệ thương mại áp đặt lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng nhiều. Từ đầu năm đến nay, hàng loạt hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam như gỗ ván ép, dệt may, thép, nhựa, mật ong… đã bị các nước áp thuế phòng vệ thương mại. Thống kê từ Cục Phòng vệ thương mại Việt Nam cho thấy, hiện DN trong nước đang phải đối mặt với hơn 200 vụ kiện phòng vệ thương mại. Điều này sẽ khiến hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đứng trước nguy cơ mất thị phần xuất khẩu.

Kiểm soát chặt chất lượng hàng nhập khẩu

Bộ Công thương cho biết, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa vào nước ta không ngừng tăng trong 3 năm lại đây. Cụ thể, năm 2020, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6%. Đến năm 2021, con số này là 332,23 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm trước. Riêng 2 tháng đầu năm 2022, tổng trị giá nhập khẩu cả nước đạt 42,11 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2021. Điều đáng quan ngại, 2 tháng đầu năm 2022, với sự tăng nhanh kim ngạch nhập khẩu trong bối cảnh xuất khẩu giảm mạnh đã khiến cho cán cân thương mại nước ta nhập siêu lên đến gần 3 tỷ USD. 

Nhiều DN cho rằng, việc tăng nhanh kim ngạch nhập khẩu xuất phát từ nhu cầu nhập nguyên liệu sản xuất trong nước để phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Tuy nhiên, ở góc độ khác cho thấy, các DN nước ngoài đang tận dụng tối đa cơ hội xuất khẩu vào thị trường Việt Nam. 

Trước tình hình trên, các Bộ KH-CN, Bộ Công thương, Bộ Y tế và Bộ NN-PTNT đã siết chặt hoạt động kiểm tra chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, ban hành nhiều tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật… để kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, theo nhiều DN, các cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn trong tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước. Bởi lẽ, đang có nhiều DN nước ngoài lợi dụng việc xuất khẩu hàng hóa vào nước ta để cạnh tranh không lành mạnh với DN Việt không chỉ tại thị trường nội địa mà cả ở thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ, thời gian qua có rất nhiều DN nước ngoài bị đánh thuế phòng vệ thương mại tại nước sở tại đã dịch chuyển sang Việt Nam dưới hình thức đầu tư nước ngoài để “né” thuế phòng vệ thương mại. Điều này không những làm nhập siêu Việt Nam tăng mạnh mà còn đặt ngành sản xuất trong nước đứng trước nguy cơ bị các thị trường xuất khẩu áp thuế phòng vệ thương mại. 

Hiện Bộ Công thương đang khởi xướng điều tra 23 vụ phòng vệ thương mại, trong đó có 13 vụ việc chống bán phá giá; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về phòng vệ thương mại, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm cho nhiều ngành hàng, sản phẩm có nguy cơ bị áp thuế phòng vệ thương mại tại nhiều thị trường.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục