Bản rap Sự nghiệp chướng gần đây thu hút hàng triệu lượt nghe trực tuyến, nhưng sự nổi tiếng này có đồng nghĩa với giá trị nghệ thuật? Những bản rap có chiều sâu thường tạo dấu ấn bằng lối chơi chữ khéo léo, sự sắc sảo trong lập luận, nội dung mang nhiều ý nghĩa tích cực chứ không chỉ dựa vào công kích cá nhân. Châm biếm, chỉ trích không có nghĩa là buông lời thô tục hay mạt sát.
Văn hóa Việt Nam từng có nhiều tác phẩm phê phán sắc bén mà vẫn giữ được giá trị thẩm mỹ. Ngay cả khi sử dụng ngôn từ mạnh, nghệ thuật vẫn cần sự tiết chế để không biến thành một cuộc khẩu chiến vô nghĩa. Những câu rap khiến người nghe giật mình như “... tao tát cho một phát là đi vào viện... răng môi mày lẫn lộn trộn vào với nhau...” đang đẩy giới hạn thẩm mỹ xuống mức tầm thường, thậm chí là phản cảm.
Cùng lúc, một clip vô tình bị lộ lọt từ một sân chơi underground đã làm bùng nổ một vụ tranh cãi khác, tiếp tục phơi bày góc tối của một bộ phận những người yêu thích nhạc rap tại Việt Nam. Việc sử dụng thông tin về người thân, gia đình để công kích một cá nhân không chỉ gây bức xúc mà còn kéo theo rắc rối pháp lý. Điều này phản ánh xu hướng đáng lo ngại: các rapper ngày càng sa đà vào việc khai thác thông tin nhạy cảm để tạo hiệu ứng, bất chấp hệ quả.
Một số rapper lão làng nhận định, rap diss có thể là bài học thú vị về ngôn ngữ, phản xạ và sự sáng tạo. Chơi chữ, dùng ẩn dụ, so sánh thông minh có thể tạo ra những màn đối đáp hấp dẫn, thay vì là những lời công kích trực diện. Khi sự công kích biến thành việc lôi đời tư người khác ra làm vũ khí, đó chính là sự thô thiển.
Nghệ thuật cần có giới hạn - chính là sự tôn trọng đối phương và khán giả. Sự sáng tạo phải kèm với trách nhiệm. Nếu không, nghệ thuật sẽ chỉ còn là công cụ thỏa mãn cảm xúc cá nhân, để lại những hệ lụy không đáng có.
Những tranh cãi gần đây - từ bản rap gây bão đến vụ lùm xùm với một streamer (người thực hiện phát sóng trực tiếp trên mạng xã hội), đã đặt ra câu hỏi lớn: đâu là ranh giới giữa tự do biểu đạt và sự công kích quá đà? Khi sự thù địch lấn át tinh thần sáng tạo, một tác phẩm không còn là nghệ thuật mà chỉ là cuộc khẩu chiến vô nghĩa, khiến công chúng mất dần niềm tin vào một dòng nhạc đầy tiềm năng.