Tuổi đôi mươi thơ mộng, duyên kỳ ngộ ban đầu với nghề viết và những cảm xúc được ghi lại thành thơ của Lê Công Sơn vừa được NXB Hội Nhà văn và Sài Gòn books in thành sách Răng mà thương mà nhớ (ảnh).
Nói như nhà thơ Trương Nam Hương: “Đọc Răng mà thương mà nhớ, tôi thấy có bóng dáng của mình ở đó, với tình cha mẹ thẳm sâu như nguồn cội, sự hiếu thảo của những đứa con và trên hết là cái nghĩa, cái tình luôn biết vì nhau trong cuộc đời này”. Thật vậy, Lê Công Sơn gom góp tất cả tình cảm anh để dành lâu nay về quê hương, về tuổi trẻ của mình để thổ lộ một lần trong Răng mà thương mà nhớ, tình cảm ấy của một người song lại chạm đến tâm tình chung của nhiều người bởi sự dung dị.
Đọc Răng mà thương mà nhớ rồi đối chiếu với Lê Công Sơn ngoài đời sẽ thấy sự trùng khớp ít nhiều: hồn nhiên và chân tình. Một lần đi với Lê Công Sơn qua đèo Le lên thượng nguồn sông Thu Bồn, anh kể: “Hồi nhỏ mình đi hái củi ở đèo này, đi chân không dẫm đá tét chân. Lên lớp, thầy thấy mình đi cà thọt hỏi, mình kể sự tình, thầy bảo sao không mang dép. Mình trả lời, nhà em chỉ có một đôi dép để đi học, khi đi hái củi chân bị thương sẽ lành, chứ dép rách không thể… lành lại được”.
Chuyện đôi dép của Lê Công Sơn không phải ngoại lệ trong bối cảnh nhiều vùng quê còn quá khó khăn. Sau này đi làm báo, Lê Công Sơn tranh thủ nhiều mối quan hệ với tấm lòng khuyến học. Gần như năm nào Lê Công Sơn cũng vận động mang về cho học trò nghèo Quế Sơn và Nông Sơn cây viết, cuốn tập, suất học bổng hay chiếc xe đạp. Mỗi phần quà cho học trò nghèo được anh chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Có lần, Lê Công Sơn xin được tiền mua vài chục chiếc xe đạp hiệu Martin 107 của nhà thơ Lâm Xuân Thi chở từ Sài Gòn ra tận trường. Hỏi sao không mua xe tại địa phương khỏi mất công vận chuyển? Anh nói: “Tặng xe đạp cho các em phải chọn xe loại tốt có bảo hành đàng hoàng. Xe bán tại địa phương không rõ xuất xứ, các em đi vài bữa lỡ hư hỏng…”.
Dẫn ra chuyện Lê Công Sơn tặng xe đạp để trở lại những tản văn, truyện ngắn, truyện vui và những bài thơ trong Răng mà thương mà nhớ, rằng đây là những cảm xúc chân tình nhất của tác giả muốn gửi đến người đọc, để tìm một sự tri âm của tấm lòng đến với tấm lòng. Nhà thơ Lê Minh Quốc, nhận xét: “Sau tập sách đầu tay này, với những gì đã đọc, tôi nghĩ rằng, sẽ còn có thêm những trang viết mới của Lê Công Sơn”.
Riêng cuốn sách đầu tay này của Lê Công Sơn được in với 4.000 bản và nhận được nhiều sự tri âm đặt mua gần hết. Tác giả đã biến tiền bán sách thành những món quà, suất học bổng được 80 triệu đồng, tặng lại cho học trò nghèo quê anh. Hành động này của Lê Công Sơn cũng dung dị như anh vẫn thường làm, gói gọn trong một chữ tình.