Như ông Nguyễn Đăng Chương, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, nhận định, các trích đoạn tuy chưa phải là bức tranh hoàn chỉnh khắc họa diện mạo của nghệ thuật sân khấu Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, nhưng cũng đủ các yếu tố để nhìn nhận, đánh giá xem nghệ thuật sân khấu đang đứng ở cung bậc nào trước đòi hỏi của đời sống xã hội và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân.
106 đoạn trích chèo, tuồng, cải lương, kịch dân ca, kịch nói, xiếc với sự tham dự của diễn viên thuộc 33 đơn vị nghệ thuật đã mang đến cho công chúng và giới nghề “bữa tiệc” nghệ thuật phong phú đầy màu sắc. Với 85/106 trích đoạn thuộc các loại hình nghệ thuật kịch hát truyền thống, cho thấy, trong điều kiện còn quá nhiều thách thức khó khăn, các nghệ sĩ kịch hát dân tộc vẫn khát vọng sáng tạo, cố gắng vượt qua chính mình, gạn đục khơi trong để giữ nghề, để lưu truyền và tiếp nối những thành quả mà nhiều thế hệ tiền bối đã vắt kiệt cả cuộc đời mới tạo dựng nên. Song, bên cạnh những trích đoạn được làm nghiêm túc, thể hiện ý thức trách nhiệm, phản ánh trực diện hoặc lấy chuyện xưa để nói nay, nhằm đề cập nhiều mặt của xã hội, con người… thì vẫn còn những đoạn trích “lạc lõng”, cường điệu đến phi lý, thể hiện sự nghiệp dư trong dàn dựng cũng như thể hiện.
Cuộc thi nào rồi cũng sẽ có hay, có dở, song bên cạnh dấu hiệu “tụt dốc” của một số đơn vị thì điều đáng lo nhất là xuất hiện dấu hiệu mai một về lượng và chất trong đội ngũ diễn viên. Nhiều đoạn trích sáo mòn, già cỗi, lặp lại chính mình, biến nghệ sĩ trở thành “thợ diễn” trên sân khấu. Một sân chơi mang tính chuyên nghiệp lại xuất hiện khá nhiều trích đoạn chèo mà xem như kịch nói, một số trích đoạn dùng ngôn ngữ thô thiển, dung tục… Và một lần nữa, điệp khúc “vội vã đến thi rồi vội vã quay về” khiến mục đích học hỏi giao lưu cũng không được trọn vẹn.
Liên hoan qua đi, gạn đục, khơi trong, hội đồng nghệ thuật cũng chọn được và trao nhiều huy chương, tặng thưởng xứng đáng cho những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao. Song, giá như người làm nghề có điều kiện tốt hơn về vật chất lẫn tinh thần để chuyên tâm với nghệ thuật thì người yêu sân khấu có lẽ sẽ vơi bớt những ngậm ngùi.