Ràng buộc trách nhiệm đơn vị khai thác cát

Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai đầu tư xây dựng 8 dự án đường cao tốc, tổng chiều dài 463km, dự kiến đến năm 2026 cơ bản hoàn thành, đưa vào khai thác. Việc các dự án đường cao tốc được triển khai xây dựng đồng loạt đã kéo nhu cầu sử dụng cát san lấp tăng cao.

Dự tính, trong hai năm 2023 và 2024, ĐBSCL cần khoảng 47,8 triệu m3 cát, tuy nhiên hiện trữ lượng cát san lấp của vùng chỉ còn khoảng 37 triệu m3, khả năng đáp ứng chỉ khoảng 70%.

Để tháo gỡ khó khăn trên, đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án, Chính phủ đã có “cơ chế đặc thù” (ban hành Nghị quyết 60/NQ-CP ngày 16-6-2021 và Nghị quyết 133/NQ-CP ngày 19-10-2021) để các địa phương rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Cụ thể, các địa phương được phép phê duyệt khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã có trong quy hoạch khoáng sản, đủ tiêu chuẩn và chỉ phục vụ thi công dự án đường cao tốc.

Đối với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã cấp phép, còn thời hạn khai thác thì các địa phương được nâng công suất không quá 50% ghi trong giấy phép khai thác và không tăng trữ lượng đã cấp phép. Việc nâng công suất này không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường hoặc giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, nhưng phải đảm bảo yêu cầu về an toàn lao động, bảo vệ môi trường trong khai thác...

Triển khai “cơ chế đặc thù” trên, mới đây tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Sóc Trăng đã thông qua việc đưa vào quản lý, sử dụng 7 mỏ cát trên sông Hậu (tổng trữ lượng hơn 17,14 triệu m3) để cung cấp cho Dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều ý kiến lo lắng về trách nhiệm “cải tạo, phục hồi môi trường” của nhà đầu tư sau khi khai thác. Vì theo quy định: “Đối với khu vực khai thác mới, yêu cầu tổ chức, cá nhân là nhà thầu, nhà đầu tư sau khi đã khai thác đủ khối lượng cung cấp cho dự án đường cao tốc phải thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ cát để địa phương quản lý theo quy định của Luật Khoáng sản và pháp luật liên quan”.

Những băn khoăn, lo lắng trên là có cơ sở, bởi trong trường hợp xuất hiện tác động xấu về môi trường sau khai khác (mỏ cát đã đóng cửa), thì ai sẽ bị xử lý và chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả? Việc xác định nguyên nhân sự cố môi trường (nếu có) xuất phát từ việc khai thác trước, liệu có dễ dàng?...

Thực tế nêu trên đặt ra yêu cầu phải có cơ chế ràng buộc trách nhiệm một cách cụ thể, rõ ràng đối với nhà thầu, nhà đầu tư trước khi bắt tay vào khai thác cát. Bên cạnh đó, ngành chức năng, chính quyền cơ sở tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong khai thác cát; kiên quyết xử lý nghiêm các nhà thầu, nhà đầu tư vi phạm.

Tin cùng chuyên mục