Tiền anh, tiền em
Một chàng trai tên Thành, quê ở Bình Dương, tâm sự, hai vợ chồng đều từ quê ra thành phố lập nghiệp, lấy nhau xong, bố mẹ anh vì muốn con “an cư lạc nghiệp” nên bán miếng đất gửi tiền cho con, cộng thêm một ít dành dụm của anh và cả vay mượn khắp nơi, hai vợ chồng mua được căn nhà nhỏ. Mọi việc đang tốt đẹp thì bất ngờ mẹ vợ anh bị phát hiện mắc bệnh hiểm nghèo, chi phí chữa trị rất nặng nề. Đã thế, vấn đề càng trở nên khó khăn hơn khi cậu em vợ ra ngoài cá độ, lô đề, vay nặng lãi, gánh thêm một khoản nợ lớn.
Áp lực dồn lên vai gia đình vợ, nhất là vợ anh và một ngày kia, cô bàn với anh bán căn nhà, phần trả dứt khoản nợ mua nhà, phần hỗ trợ gia đình bên vợ. Vợ anh nêu quan điểm “còn người là còn của”, sau này vợ chồng chăm chỉ làm ăn kiếm căn nhà khác. Anh nhất quyết phản đối bởi căn nhà này hơn phân nửa từ tiền bố mẹ chồng cho, sau này làm gì còn khoản đó để mua nhà. Chưa kể, cũng theo anh, khi mẹ vợ bệnh anh cũng hết lòng chăm sóc, cái gì làm được đều làm nhưng không thể hy sinh toàn bộ chỗ dựa của gia đình như vậy, đã thế còn phải gánh thêm cả khoản nợ cờ bạc của cậu em vợ là điều vô lý. Hai vợ chồng ngày càng mâu thuẫn và cuối cùng vợ anh bỏ về nhà mẹ đẻ sau những lời nặng nề, thậm chí mang tính xúc phạm. Hôn nhân của anh giờ đứng trước cảnh tan vỡ.
Theo các chuyên gia, câu chuyện của Thành là một trong những trường hợp điển hình về mâu thuẫn tiền bạc trong đời sống gia đình. Thực ra, trong trường hợp này cả hai đều có lý của mình nhưng điều quan trọng là việc thiếu đi sự tinh tế trong giải quyết mâu thuẫn. Khó khăn tiền bạc bên nhà vợ hay nhà chồng là nguyên nhân mâu thuẫn rất dễ nảy sinh vì với cả hai vợ chồng, đó đều là một phần quan trọng của cuộc sống, không thua gì đời sống vợ chồng hiện tại.
Ít được nhắc đến khi yêu nhau nhưng lại đóng vai trò quan trọng khi chung sống, tiền bạc luôn là vấn đề ảnh hưởng lớn đến đời sống gia đình. Ngoài lý do thiếu sự tinh tế như trên, còn một số trường hợp khác liên quan đến tiền bạc đe dọa hạnh phúc gia đình như: Chi tiêu tiền bạc phung phí, nhất là chi vượt quá khả năng thu nhập. Rồi khi gặp khó khăn về tiền bạc thì tìm cách né tránh, che giấu các trở ngại cho đến khi không thể giấu được nữa. Hay như việc không đồng ý với các khoản đóng góp chung giữa hai vợ chồng dẫn đến sự chênh lệch trong việc lo cho gia đình. Một trường hợp hay gặp khác là nợ nần quá nhiều, nhất là với một bên chồng hay vợ, tạo gánh nặng áp lực lên người còn lại. Còn có trường hợp chồng hay vợ tự ý cho vay tiền mà không thỏa thuận với vợ/chồng, thường những khoản vay này là từ người quen, nếu người vay không trả, chây ỳ thì rất khó thu hồi từ đó dẫn đến mâu thuẫn vợ chồng.
Có một dạng khá đặc biệt là việc dồn mọi trách nhiệm tài chính lên một người, nhất là người chồng, từ đó dẫn đến việc người kiếm tiền thì dễ có thái độ thiếu tôn trọng, người còn lại mang tâm lý dựa dẫm, kéo theo sự sứt mẻ tình cảm. Ở chiều ngược lại, cả hai đều kiếm ra tiền nên dẫn đến thiếu tôn trọng tiền bạc của nhau theo kiểu “không cần đến tiền của anh” hay “tiền của em, em cứ giữ mà xài”… là những câu nói dễ làm rạn nứt tình cảm khi xảy ra xung đột.
Thấu hiểu và chia sẻ
Dù có nhiều lý do, nhưng theo các chuyên gia về tư vấn hạnh phúc gia đình thì vấn đề chủ yếu nằm ở việc thiếu đi sự thấu hiểu và chia sẻ giữa hai vợ chồng.
Như câu chuyện của Thành, thay vì đặt chồng trước một phương án “dữ dội”, người vợ có thể cùng chồng ngồi xuống lập ra kế hoạch và thiết lập một số mục tiêu trong việc xử lý tài chính. Như không xem bán nhà là mất hết, mà có thể xem là cơ hội có một khoản vốn để kinh doanh sau khi giải quyết các vấn đề phát sinh. Thành cũng không cần phải chống đối theo hướng quyết liệt mà có thể giải thích cho vợ những khó khăn trong việc mua nhà, tìm một hướng xử lý khác mềm dẻo hơn như cho thuê…
Cũng như thế, nếu người vợ hay chồng có sự giải thích rõ ràng về mức thu nhập thực tế của hai vợ chồng, từ đó có phương án tài chính cụ thể sẽ tránh được các trường hợp chi tiêu phung phí hay có hướng để ứng phó với những khó khăn tài chính đang diễn ra. Việc trao đổi cũng giúp tạo sự đồng thuận trong việc đóng góp các khoản chi tiêu gia đình phù hợp với khả năng thu nhập của mỗi người. Rõ ràng, việc thỏa thuận cụ thể về trách nhiệm đóng góp tài chính sẽ giúp vợ chồng có cuộc sống thoải mái và tôn trọng nhau hơn, thay vì suy nghĩ tiền bạc làm mất hạnh phúc nên e dè, né tránh.
Trong vấn đề mua sắm, vay mượn cũng tương tự, có thể trong lúc háo hức người chồng hay vợ bộc phát nhu cầu mua sắm hay do mối quan hệ thân tình, khó từ chối mà cho vay mượn. Nếu có sự trao đổi giữa hai bên rõ ràng giúp cả hai vợ chồng bình tâm, suy tính phương án tối ưu để tránh tạo gánh nặng quá lớn cho tài chính gia đình dễ dẫn đến áp lực.
Và cuối cùng, như với trường hợp tài chính gia đình thiên về một người, ví dụ như người chồng, người vợ không đi làm mà ở nhà làm nội trợ, cả hai vợ chồng nên quy công lao động của vợ ra thành tiền và xem đó như khoản đóng góp sòng phẳng, tránh việc chồng xem thường và tự xem chuyện nhà cửa, con cái là việc riêng của vợ.
Chính vì vậy, thay vì lựa chọn biện pháp đối đầu, vợ chồng khi gặp những vấn đề về tài chính trong gia đình nếu có sự trao đổi, hiểu biết lẫn nhau sẽ có thể tìm cách xử lý để tránh xảy ra mâu thuẫn gia đình liên quan đến chuyện tiền bạc, từ đó gìn giữ hạnh phúc gia đình.