Riêng loại rác thải xây dựng, rác thải cồng kềnh thì hiện cả người dân và nhiều địa phương vẫn rất lúng túng trong việc thu gom, vận chuyển.
Cuối năm, bà Trần Thị Thanh Mai (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) sửa sang lại căn nhà đang ở. Bà lúng túng không biết bỏ mấy tấm tôn cũ, cây mục, xà bần cùng bộ ghế sofa ở đâu, bởi người thu gom rác sinh hoạt hàng ngày không nhận. Nghe vài người hướng dẫn, bà Mai bỏ ít tiền thuê người thu gom rác hàng ngày chở đi giúp. “Ban đầu họ nói không nhận loại rác cồng kềnh này, nhưng khi ngỏ ý thuê chở đi bỏ giúp thì họ nhận lời. Thôi thì đành tốn ít tiền chứ tôi không biết quận quy định bỏ loại rác này ở đâu. Chở đi bỏ bậy, tôi sợ bị phạt”, bà Mai than thở.
Trên địa bàn phường 2 quận Tân Bình, một số tuyến đường, hẻm cũng phát sinh thành điểm tập kết rác thải cồng kềnh. Cụ thể, vào ngày 2-12, tại khu vực hẻm 29 Yên Thế, phóng viên Báo SGGP ghi nhận xà bần, tủ, giường cũ bị vứt thành đống chiếm hơn 1/3 lối đi. Theo các hộ dân sinh sống nơi đây, điểm tập kết rác này tồn tại đã lâu nhưng không thấy chính quyền xử lý. “Nhiều lần điểm tập kết rác này được dọn sạch, nhưng sau đó lại tái phát, gây mất mỹ quan khu phố. Theo tôi, chính quyền phải có cách để xóa điểm đen này đi”, một cư dân tại đây bức xúc.
Tại các khu phố 1, 2, 3 của phường An Phú (quận 2), chúng tôi cũng ghi nhận thực trạng rác thải sinh hoạt, rác xây dựng được tập kết tràn ra mặt đường, gây nhếch nhác, bẩn thỉu. Cụ thể, tuyến đường Số 1 thuộc khu chung cư 1ha Thủ Thiêm (đoạn từ khu tạm cư Thủ Thiêm đến cầu Ông Tranh 2), phần đường tiếp giáp với các dự án bán đảo Thủ Thiêm có đủ loại rác thải cồng kềnh như sofa, bàn ghế, vật liệu xây dựng, thùng xốp… quăng thành đống. Phía góc đường Cao Đức Lân - Bùi Tá Hân có nhiều khu đất trống trở thành nơi tập kết vật liệu xây dựng đủ loại, từ xà bần đến vật dụng hư cũ. Ông Nguyễn Hà (ngụ đường Cao Đức Lân) ngao ngán: “Chính quyền cũng bó tay với tình trạng xả rác ra đường. Kiểm tra, xử phạt, nhắc nhở suốt đấy chứ, nhưng cứ qua một đêm, đến sáng là những điểm đã thu dọn hôm trước lại đầy rác trở lại. Gần đây có thêm vụn vải, thùng xốp, mưa xuống nước đọng bên trong bốc mùi, muỗi nhiều kinh khủng”.
Trong khi đó, nhiều người dân phàn nàn về việc không biết bỏ những vật dụng như bàn, ghế, tủ, giường cũ… đi đâu; bởi cho thì không ai nhận, còn đơn vị thu gom rác luôn chừa lại, chỉ thu gom rác sinh hoạt. Để được thu gom rác thải này hoặc xà bần xây dựng, người dân phải mất một khoản tiền riêng để thuê chở đi, vì vậy nhiều gia đình không muốn mất tiền thì lén đem ra đường hoặc đem ra kênh rạch đổ. Thậm chí, những gia đình thuê người đi đổ thì cũng chẳng biết họ đổ ở đâu, do đó không ít trường hợp nhận tiền nhưng chở rác đi đổ trộm ra nơi đất trống.
Địa phương lúng túng
Theo Sở TN-MT TPHCM, rác xây dựng, rác cồng kềnh trên địa bàn thành phố chiếm khoảng 20% rác thải sinh hoạt đô thị, tương đương với khoảng 1.800 tấn/ngày. Song, việc thu gom và xử lý loại rác thải này chưa được thực hiện độc lập, mà vẫn thu gom chung với rác thải sinh hoạt.
Ông Mai Phước Khánh, Phó Chủ tịch UBND phường 2 quận Tân Bình, cho biết: “Chúng tôi đã lắp đặt hơn 250 camera giám sát cũng như kiến nghị, đề xuất một số giải pháp với quận trong việc chỉ đạo đơn vị chức năng hỗ trợ thu gom rác thải cồng kềnh. Còn giải pháp tạm thời của phường hiện nay chỉ dừng ở việc nếu có phát hiện thì xử phạt và chủ động thu gom”.
Bà Lâm Thị Hồng Phúc, Trưởng phòng TN-MT quận Gò Vấp, cho rằng nhu cầu sửa nhà cửa và thay đổi vật dụng trong gia đình của người dân là có, nhất là dịp cuối năm. Từ đó phát sinh một khối lượng lớn rác xây dựng và cồng kềnh thải ra môi trường, song việc thu gom và phân loại rác thải này còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc xử lý vi phạm pháp luật về môi trường có nơi, có chỗ chưa nghiêm và thường xuyên, ý thức của người dân còn hạn chế. Về phía quận, bà Hồng Phúc cho biết đã yêu cầu UBND 16 phường thông tin, tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh tự chuyên chở hoặc chuyển giao chất thải rắn cồng kềnh cho lực lượng có chức năng thu gom rác để vận chuyển đến Trạm trung chuyển 691 Quang Trung (quận Gò Vấp). Tuy nhiên, rất ít hộ gia đình nhờ dịch vụ thu gom hoặc mang rác đến nơi tập kết.
Phân tích vì sao người dân còn ngại thuê người vận chuyển rác cồng kềnh, bà Lâm Thị Hồng Phúc cho rằng có nhiều nguyên nhân, trong đó một phần do mức giá phía Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TPHCM đưa ra còn khá cao. Đơn cử, người dân khi muốn xử lý ghế sofa cũ, mức phí phải trả 1,5 triệu đồng/bộ, hoặc 1 triệu đồng/bộ bàn ghế cũ. Đó là cản trở lớn nhất khiến rác cồng kềnh cứ mặc nhiên đầy trên phố. |
Theo ông Lâm Quang Viên, đại diện một đơn vị thu gom rác dân lập trên địa bàn quận Gò Vấp, để thu gom, vận chuyển loại rác thải cồng kềnh, rác công trình xây dựng, đơn vị phải bố trí thêm nhân công để tháo dỡ, đập nhỏ và tăng chuyến xe vận chuyển để mang đi xử lý bằng máy chuyên dụng. “Đây là việc phát sinh, không có trong hợp đồng thu gom, xử lý như rác thải sinh hoạt. Về lâu dài, đơn vị sẽ gặp khó bởi không có chi phí để trả cho công nhân”, ông Viên chia sẻ.
Qua khảo sát, ngoài UBND phường 10 quận 3 mới đây tổ chức thu gom rác thải cồng kềnh miễn phí cho người dân thì đến nay, người dân TPHCM vẫn rất lúng túng trong việc xử lý loại rác này.