Đó là ly cà phê đã uống cạn, đá nhỏ bay tứ tung còn ly nhựa và bịch nilon bị gió thổi dạt vào vệ cỏ, “nhập hội” với mớ rác đã có sẵn tại đó. Nhân vật ném chiếc ly là 2 thanh niên trẻ tuổi và tỉnh bơ phóng xe đi.
Đủ kiểu xả rác
Đang dạo bộ, chị Trương Thị Minh nghe tiếng “bốp” phía sau lưng. Giật mình quay lại, chị thấy một bịch rác rơi bung bét; trong đó nào là gốc rau, ruột cá, chai nhựa, bỉm tã…
Ngay phía trên lầu lô I chung cư Ngô Gia Tự (quận 10), có một phụ nữ lớn tuổi vội bước lùi vào sau lan can. Thấy chị Minh bức xúc, một người dân gần đó buông lời: “Rác trên trời rơi xuống là chuyện thường ngày ở đây. Mấy gia đình trên đó lười đem rác xuống nên ném thẳng xuống đường, mặc cho phía dưới ai ra sao thì ra”.
Nói xong, người này lấy chân đẩy bịch rác vào mép đường rồi đi vào nhà. Không may như chị Minh, chị Võ Thúy Diễm (ngụ quận Thủ Đức) bị nguyên bịch túi nôn của hành khách đi xe buýt ném trúng đầu, làm ướt tóc và bốc mùi chua hôi.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ (phường Bến Nghé, quận 1) cũng từng bị rác bủa vây, từ lối đi, trong chậu cảnh, treo trên cành cây hoặc chất đống ngay bên chân thùng rác. Vài tháng nay, phố đi bộ Nguyễn Huệ có sạch hơn nhưng rác lại tập trung về các tuyến đường xung quanh như Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Tôn Thất Thiệp… từ những xe đẩy bán hàng rong xả ra.
Quan sát tại giao lộ Tôn Thất Thiệp - Nguyễn Huệ vào chiều tối những ngày cuối tuần, chúng tôi nhận ra có 5 người thường xuyên gọt trái cây, trộn bánh tráng để cung cấp cho những người bán hàng rong hoạt động “du kích” trên phố đi bộ. Cứ sau khoảng 30 phút, họ lại thải ra đường thau rác gồm vỏ trái cây, vỏ trứng, bịch xốp, ly nhựa, đũa tre…
Ở công viên bến Bạch Đằng (quận 1), hầu hết thanh thiếu niên tới hóng mát đều mang theo đồ ăn, thức uống; rồi khi ra về thì bỏ lại những bịch rác chơ vơ ngay trên thảm đá hoặc thả dưới vỉa hè.
Có người “kỹ” hơn thì vùi vội đủ loại rác vào chậu cây xanh gần đó. Riêng khu vực từ chân cầu Khánh Hội lên đến trên cầu Mống (quận 1), gần đây trở thành “phố nhậu bệt” vào mỗi tối với hàng chục nhóm người tụ tập. Sau khi tàn tiệc, người kinh doanh hàng quán chỉ gom tấm bạt, còn các loại rác thì hất thẳng ra đường.
Chợ bốc mùi
Tầm 18 giờ, từng đoàn xe chở nông sản từ các tỉnh thành tấp nập đổ về chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức để kịp phân loại cung cấp cho các tiểu thương ngay trong đêm. Bởi vậy vào sáng sớm hôm sau, khắp chợ ngập rác; từ các loại rau củ quả hư hỏng đến bao bì, rơm, lưới xốp…
Tại đây, mỗi ca trực có khoảng 10 công nhân quét dọn không ngơi tay, nhưng vừa dọn xong phía trước thì đằng sau đã có người đẩy rác ra bỏ. Tầm 12 giờ trưa, lúc chợ đã vắng người, những xe rác cao ngất được công nhân đẩy ra đổ tràn trước cửa khu A và khu B.
Nơi hứng chịu nhiều rác nhất phải kể đến đường D (dài hơn 200m) nằm bên hông chợ, khiến người dân cư ngụ trên tuyến đường này luôn bị “ngộp” bởi môi trường ô nhiễm. Nắng thì bốc mùi của xác động vật, rác thải, ruồi nhặng bay đầy; mưa thì thêm dòng nước đen ngòm rỉ ra quyện vào nước mưa trôi đến hiên nhà.
Nhiều năm “cắm chốt” tại cổng chợ Lạc Quang (khu phố 2, đường Trường Chinh, phường Tân Thới Nhất, quận 12) chạy xe ôm, ông Nguyễn Hải (50 tuổi) cũng ngần ấy năm “làm bạn” với rác thải. “Mấy tuần trước, trời đang hừng hực nắng thì bất chợt mưa giông kéo đến. Chắc lo chạy tránh mưa nên một nam sinh viên va phải đống rác, té xuống đường trầy xước khắp người. Đã có nhiều vụ té xe lãng xẹt vì những đống rác như vậy”, ông Hải cho biết.
Chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức là 1 trong 3 chợ đầu mối lớn nhất TPHCM, mỗi ngày số hàng hóa nhập chợ từ 3.500 - 3.700 tấn, có khoảng 900 tiểu thương kinh doanh các loại rau, củ, quả, hoa.
Theo bà Nguyễn Thị Nam Phương, Phó phòng Kỹ thuật hạ tầng - ban quản lý chợ, hàng ngày rác thải trong chợ được gom về khu vực xử lý để đưa vào máy ép rác với chi phí thu gom và thuê đơn vị vận chuyển khoảng 320 triệu đồng/tháng.
Tương tự, tiểu thương chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Hóc Môn thải khoảng 80 tấn rác/ngày (tốn 160 triệu đồng/tháng cho khâu thu gom và vận chuyển), chợ đầu mối Bình Điền trung bình thải ra khoảng 100 tấn rác/ngày, trong đó 70% là rác nông sản.
Tuy có quy trình thu gom và vận chuyển khá hiệu quả nhưng lượng rác từ các chợ này quá lớn nên rác vẫn “trôi dạt” vào khu dân cư xung quanh, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Chợ tự phát gần cầu Ông Lãnh (quận 1) đã bị “xóa sổ” cách đây vài năm, thế nhưng gần đây đang “sầm uất” trở lại. Chợ họp 2 lần mỗi ngày vào tầm sáng và chiều, nhưng rác thì luôn hiện hữu cả ngày, vứt đầy trên vỉa hè và dưới lòng đường.
“Bức tử” kênh rạch
TPHCM có khoảng 2.900 tuyến kênh rạch đan xen nhau chảy qua các khu dân cư. Vì sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân nên hiện nay nhiều sông kênh rạch bị ô nhiễm nặng và có chiều hướng ngày càng gia tăng.
Bà Đặng Ngọc Mai, 65 tuổi (ngụ phường 1, quận 4) vừa lặt xong bó rau muống thì tiện tay vứt luôn xuống dòng kênh trước mặt (nhánh kênh nhỏ rẽ từ kênh Tẻ vào). Phía dưới sàn nhà dân ở khu vực này, nổi lềnh bềnh trên dòng nước đen kịt, nồng nặc mùi hôi là túi nilon, chai nhựa và cả xác động vật.
Chúng tôi hỏi sao không bỏ rác vào thùng để người lấy rác đến dọn mà lại vứt thẳng xuống kênh, bà Mai cho biết ở đây ai cũng làm vậy nên bà làm theo. “Quen vậy rồi, với lại đỡ tốn tiền đổ rác hàng tháng, dại gì không làm”, bà Mai tỉnh queo trả lời.
10 giờ ngày 22-10, có mặt tại đoạn kênh Rạch Nước - Tham Lương, dài khoảng 4km, từ cầu nối đường Bến Lội (phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân) và đường Liên ấp 123 (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh), chúng tôi nhận thấy nơi đây bốc mùi hôi kinh khủng.
Bên dưới kênh, rác ken lại thành mảng lớn làm cản trở dòng chảy. Ngoài rác, đoạn kênh thuộc khu vực xã Vĩnh Lộc B còn hứng chịu nước thải của hàng chục xưởng thuộc da, nhuộm, hấp… xả trực tiếp ra kênh.
Ở phường Bình Trị Đông (quận Bình Tân), dù các ban ngành đã có nhiều nỗ lực cải tạo dòng kênh nhưng đều đặn mỗi ngày, kênh Chiến Lược vẫn phải tiếp nhận lượng rác không nhỏ do người dân thả xuống. Từ năm 2014, ông Nguyễn Ngọc Đức (ngụ khu phố 8, phường Bình Trị Đông) nhận công việc vớt rác trên kênh.
Dù thấy ông Đức đang lúi cúi vớt rác phía trước nhưng từ phía sau, một nam thanh niên thản nhiên xách bịch rác từ trong nhà ra quăng thẳng xuống kênh. Trong khi chúng tôi còn “đứng hình” vì hành động ấy thì ông Đức lặng lẽ vớt bịch rác lên bỏ vào xe rác. Mỗi ngày ông Đức đều đẩy xe đi vớt rác 2 lần; ít thì gom được 2 xe với khoảng 300kg, nhiều thì 3 xe với gần 500kg rác.
Phạt mạnh tay hành vi xả rác TPHCM đã triển khai nhiều chương trình vận động, tuyên truyền người dân không xả rác, nhưng còn nặng về hình thức. Vận động ở đây là phát tờ rơi, chạy xe phát loa, phát động mấy ngày chủ nhật xanh - hồng để kêu gọi mọi người cùng hạn chế xả rác… nhưng nếu chỉ vậy thôi thì chưa đủ. Minh chứng là chuyện vận động, tuyên truyền đã diễn ra cả chục năm qua nhưng khu dân cư vẫn có rác, chợ vẫn bốc mùi, kênh vẫn đen ngòm vì rác. Do vậy, chúng ta đừng vận động suông mà chính quyền địa phương phải lập ngay đội hình xử phạt hành vi xả rác ở các khu dân cư. Chế tài đã có với mức xử phạt theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP lên tới 7 triệu đồng; vì vậy, để xử lý hành vi xả rác rốt ráo thì đội hình đó phải là lực lượng chuyên trách, vừa xử phạt đúng người vi phạm vừa thay nhau giám sát thường xuyên. Ngoài phạt trực tiếp, hiện nay nhiều tuyến đường, khu dân cư có camera an ninh thì có thể tính đến phương án phạt gián tiếp. Với đối tượng xả rác trong khu dân cư, ngoài xử phạt hành chính cũng cần nhắc nhở trong các cuộc họp tổ dân phố. Tôi nghĩ, nếu chế tài được thực hiện nghiêm túc và với mức phạt tiền cao thì người dân sẽ ý thức hơn với hành vi của mình. (Ông Vũ Mạnh Cường, tổ 2, khu phố 9, phường Phú Hữu, quận 9) Thay đổi thói quen xấu Để tạo được nền nếp giữ vệ sinh cho bà con trong tổ, vai trò của đoàn thể tại địa phương rất quan trọng. Ngoài tuyên truyền, chúng tôi còn tổ chức các buổi quét dọn vệ sinh nơi ở; vận động, nhắc nhở khi thấy hộ nào chưa thực hiện tốt. Dần dà đã tạo được cho nhiều người ý thức không xả rác bừa bãi. Rồi chính người dân lại làm công tác vận động các hộ gia đình khác cùng làm. Nhờ đó, môi trường ngày càng sạch - xanh - đẹp. Theo tôi, môi trường bị ô nhiễm do người dân còn thói quen xấu “tiện đâu vứt rác đó”. Để thay đổi thói quen này rất cần sự chung tay của cả cộng đồng. Trong đó, vai trò của các đoàn thể tại địa phương rất quan trọng. Đoàn thể không chỉ làm công tác tuyên truyền, mà cần làm gương ngay trong hành động giữ vệ sinh hàng ngày để người dân làm theo. Nếu được nhắc nhở, động viên thường xuyên, thậm chí chế tài xử phạt thì ý thức bảo vệ môi trường của người dân sẽ được nâng lên. (Bà Huỳnh Thị Thủy, Tổ trưởng tổ 55, khu phố 4, phường Tân Thành, quận Tân Phú) |