Nhân dịp 9 năm ngày Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, vừa qua chính quyền TP Hội An đã phát động chương trình “Cù Lao Chàm cam kết không sử dụng ống hút nhựa”. Cùng với chiến dịch “Cù Lao Chàm nói không với túi ni lông” phát động 9 năm về trước, chiến dịch lần này nhằm mang đến một môi trường an toàn hơn cho đảo. Tuy nhiên, câu chuyện của Cù Lao Chàm bây giờ không chỉ là túi ni lông hay ống hút nhựa mà còn là áp lực của rác thải, nước thải và nước sinh hoạt…, những hệ lụy từ phát triển du lịch mang lại.
Rác chồng rác!
Năm 2009, khi Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, chỉ có hơn 27.000 du khách tham quan đảo, đến năm 2017 con số này đã tăng gấp gần 15 lần, đạt hơn 400.000 lượt khách. Riêng 5 tháng đầu năm 2018, lượng khách tham quan đảo đã đạt hơn 150.000 lượt. Dự kiến số khách sẽ còn tiếp tục tăng cao trong vài tháng tới, khi du lịch Cù Lao Chàm bước vào mùa cao điểm. Sự “bùng nổ” khách đã tạo ra nhiều áp lực, tác động mạnh mẽ đến môi trường xã hội và tự nhiên đảo. Nghiêm trọng nhất là nguồn tài nguyên tự nhiên (nước, rau rừng, thủy hải sản…) đang dần cạn kiệt.
Theo ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch UBND xã đảo Tân Hiệp, từ khi du lịch Cù Lao Chàm phát triển, bên cạnh niềm vui phát triển kinh tế thì cũng xuất hiện nhiều nỗi lo. Nỗi lo thường trực là thiếu nước sinh hoạt vào những tháng nắng. Hiện, hơn 2.400 nhân khẩu của xã sống phụ thuộc vào bể nước 80.000m³ đặt tại Bãi Bìm.
“Nếu chỉ có dân đảo dùng không thì đủ, nhưng bây giờ phải chia sẻ cho hàng trăm ngàn khách du lịch nữa nên rất lo. Cứ hình dung, mỗi khách sử dụng 5 lít nước để tắm rửa, vệ sinh thì lượng nước tiêu tốn sẽ rất lớn. Năm nào ít mưa, khô hạn, xem như thiếu nước nghiêm trọng”, ông An nói.
Ngoài nỗi lo thiếu nước sinh hoạt, một vấn đề trăn trở hiện nay tại các khu dân cư là xử lý nước thải sinh hoạt. Hầu hết nước thải sinh hoạt của các hộ dân chưa qua xử lý, chủ yếu chôn hầm ngầm, lâu dài nguy cơ vỡ tràn ra biển là khó tránh khỏi nếu không có giải pháp căn cơ. Tuy vậy, “đau đầu” nhất của Cù Lao Chàm chính là rác thải đang ngày càng tăng.
Tại đảo, bình quân mỗi ngày có khoảng 4 tấn rác thải. Năm 2016, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đồng Xanh (tỉnh Bắc Giang) đã trao tặng cho xã đảo Tân Hiệp một lò xử lý rác bằng không khí đối lưu, công nghệ Nhật Bản, đặt tại Eo Gió. Theo thiết kế, trung bình mỗi ngày lò xử lý 3 tấn rác, công suất tối đa là 10 tấn/ngày. Tuy nhiên, qua hoạt động, lò chỉ xử lý được 2 tấn/ngày.
“Rác hữu cơ thì được đốt trong lò, nhưng rác vô cơ như vỏ ốc, điệp, sò, thủy tinh, chai nhựa phát sinh từ hoạt động du lịch thì mình đào hố chôn lấp hoặc đốt lộ thiên, nhưng cái hố này cũng gần đầy rồi. Tình trạng rác chồng rác đang diễn ra ở đây. Dự kiến khoảng 3 - 4 năm nữa nếu không có biện pháp căn cơ để giải quyết, nguy cơ ô nhiễm sẽ báo động. Xã đã báo cáo lên thành phố đề nghị hỗ trợ đầu tư nâng công suất lò đốt lên để xử lý rác”, ông An nói.
Với vị trí đặc thù là đảo nhỏ giữa biển, nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn nhưng mỗi năm Cù Lao Chàm phải đón hàng trăm ngàn du khách, dẫn đến công tác quản lý và ứng phó dường như không theo kịp.
“Hiện nay khách đã tăng cao quá sức chịu đựng của đảo nên áp lực về vệ sinh, môi trường, nước ngọt rất cấp bách. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đảo trong tương lai”, ông Nguyễn Đình Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường TP Hội An, chia sẻ.
TP Hội An đang triển khai nhiều giải pháp. Riêng năm nay, ngoài nâng cấp, nạo vét lại hệ thống xử lý nước thải tại Bãi Hương, xây mới hệ thống xử lý nước thải tại Bãi Ông, thì một hệ thống xử lý nước thải tại Bãi Làng cũng đang thực hiện, dự kiến trong tháng 6 hoàn thiện. Việc xử lý nước thải tại Cù Lao Chàm cơ bản ổn định. Năm nay TP cũng sẽ đầu tư lò đốt mới công suất xử lý khoảng 10 tấn rác thải.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, trong đề án phát triển bền vững xã đảo Tân Hiệp trên cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, TP đã chủ động dự tính những tình huống do tác động của du lịch gây ra cho môi trường trên đảo nên đã có nhiều giải pháp như: khống chế lượng khách ra đảo 3.000 người/ngày và mới đây là phát động chiến dịch tuyên truyền du khách, người dân không sử dụng ống hút nhựa khi tham quan du lịch đảo…