Trong diễn biến trước đó, hàng loạt các nước đã không cho phép doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động trong nước được nhập khẩu phế liệu. Đáng kể nhất là Trung Quốc - vốn là nước có số lượng doanh nghiệp cũng như số lượng phế liệu được nhập khẩu từ các nước phát triển rất lớn.
Trong khi đó, lượng phế liệu nhập khẩu sang Việt Nam lại tăng mạnh. Trước thời điểm tháng 9-2018, trung bình mỗi tháng nhập khẩu khoảng 7.500 tấn phế liệu, tăng 200% so với năm 2017.
Còn từ thời điểm tháng 9-2018, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 27/CT-TTg về việc tăng cường thắt chặt nhập khẩu phế liệu thì số lượng phế liệu nhập khẩu mới giảm. Tính tổng cả năm 2018, Việt Nam nhập khẩu gần 500.000 tấn phế liệu, đứng sau Malaysia và Thái Lan.
Theo các chuyên gia môi trường, với ngành công nghệ dịch vụ tái chế môi trường còn non trẻ như Việt Nam thì việc nhập khẩu phế liệu ồ ạt như trên sẽ tạo ra những hiểm họa khó lường cho chất lượng môi trường.
Không chỉ vậy, việc nới lỏng trong hoạt động nhập khẩu phế liệu sẽ biến Việt Nam thành điểm nóng tập kết chất thải và công nghệ sản xuất, tái chế lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường từ các nước khác trên thế giới.
Đồng thuận với quan điểm trên, Bộ TN-MT khẳng định, chỉ tính riêng lượng rác thải phát sinh trên cả nước cũng đang là gánh nặng rất lớn cho hoạt động xử lý chất thải.
Cụ thể, trung bình mỗi năm, cả nước có tổng lượng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt khoảng hơn 24,5 triệu tấn, 8,1 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp và khoảng 800.000 tấn chất thải nguy hại… Thế nhưng, phần lớn lượng rác thải nói chung đều đang phải xử lý bằng biện pháp chôn lấp.
Cả nước cũng đang tồn tại 660 bãi chôn lấp rác thải, gây nguy cơ ô nhiễm thứ phát nhưng chưa có biện pháp xử lý hiệu quả. Do vậy, việc gia tăng thêm phế liệu nhập khẩu sẽ tăng gánh nặng cho hạ tầng tiếp nhận cũng như xử lý chất thải.
Ở góc độ khác, theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm nhựa và giấy, việc nhập phế liệu là cần thiết. Bởi để có thể xuất khẩu sản phẩm qua các thị trường khó tính, phát triển, nhất thiết phải đảm bảo tỷ lệ 2% nguyên liệu sản xuất là từ nguồn tái chế.
Do vậy, thời gian qua, việc Bộ TN-MT thắt chặt kiểm soát nhập khẩu phế liệu nói chung, mà thiếu sự phân loại những doanh nghiệp nhập khẩu làm ăn chân chính với những doanh nghiệp sai trái đã khiến cho thị trường nguồn nguyên liệu tái chế tăng giá mạnh, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Trước thực tế trên, cũng theo nhiều doanh nghiệp, quan điểm của Chính phủ không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế là hoàn toàn đúng.
Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng cần sớm minh bạch danh mục, điều kiện và quy trình cấp giấy xác nhận được nhập khẩu phế liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tái chế chất thải chân chính hoạt động ổn định, góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu duy trì kim ngạch xuất khẩu.