Chị Lư Thị Thúy Chuyên (ngụ tại phường 16, quận 11, TPHCM) cũng đã bị lừa như vậy. Chị Chuyên có người em gái đang xuất khẩu lao động ở Nhật Bản, hai chị em thường trò chuyện qua mạng xã hội Facebook.
Ngày 21-3-2018, chị Chuyên nhận được tin nhắn từ facebook của em gái, khẩn thiết nhờ chuyển giúp số tiền 40 triệu đồng, cho biết sẽ có người gọi tới báo thông tin chuyển tiền. Ít phút sau, chị Chuyên nhận được cuộc gọi báo số tài khoản và tên người nhận.
Ngay sau đó, chị Chuyên ra ngân hàng chuyển khoản 40 triệu đồng. Vừa về đến nhà, chị Chuyên lại nhận tin nhắn từ facebook của em gái yêu cầu chuyển thêm 45 triệu đồng vào số tài khoản và tên người khác. Chị Chuyên lại ra ngân hàng chuyển thêm 45 triệu đồng (ảnh). Về đến nhà, chị Chuyên gọi điện thoại cho em gái ở Nhật để báo đã chuyển tiền, thì người em gái cho biết không hề có yêu cầu chuyển tiền. Lúc này, chị Chuyên mới hay mình đã bị kẻ gian lừa đảo và vội vàng chạy đến ngân hàng. Số tiền 40 triệu đồng chuyển lần đầu vào lúc 8 giờ 5 phút ngày 21-3 đã vào tay kẻ gian. May mà vẫn còn kịp để ngân hàng ngăn chặn giao dịch lần thứ hai, nên số tiền 45 triệu đồng chuyển vào lúc 9 giờ 5 phút cùng ngày không bị mất.
Để kẻ gian không tiếp tục lừa đảo người khác, chị Chuyên đến công an trình báo. Ngân hàng Vietcombank mà chị Chuyên giao dịch thuộc địa bàn quận 6, nên vụ việc được Công an quận 6 thụ lý. Tại Công an quận 6, sau khi chị Chuyên viết bản tường trình, điều tra viên tên Quý cho chị Chuyên biết số tiền 45 triệu đồng mà ngân hàng đã ngăn chặn giao dịch được giữ lại để phục vụ công tác điều tra. Chị Chuyên hỏi sẽ giữ tiền bao lâu thì người này trả lời khoảng 2 tháng. Điều đáng nói là không có một văn bản hay giấy tờ gì đưa cho chị Chuyên xác nhận cơ quan điều tra đang giữ số tiền 45 triệu đồng cũng như thời hạn giữ tiền của chị Chuyên. Khi liên hệ với ngân hàng, chị Chuyên cũng được cho biết toàn bộ hồ sơ vụ việc đã được chuyển Công an quận 6. Thế nhưng, từ đó đến nay đã gần 4 tháng, chị Chuyên vẫn chưa được giao lại số tiền này.
Phân tích ở góc độ pháp lý, luật sư Nghiêm Xuân Lý (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết: “Trong vụ việc này, việc chuyển khoản thành công hay không thành công thì đó là giao dịch giữa 2 chủ thể dân sự, ngân hàng giữ vai trò trung gian. Khi giao dịch lần thứ hai đã được ngăn chặn, thì ngân hàng phải hoàn trả lại số tiền đó cho chị Chuyên - khách hàng có phiếu nộp tiền, chuyển khoản rõ ràng. Trong trường hợp này, ngân hàng đã chuyển hồ sơ theo đề nghị của cơ quan công an.
Bức xúc với thủ đoạn của kẻ lừa đảo qua mạng xã hội, chị Chuyên đã đến cơ quan công an trình báo. Đây là việc trình báo, khai báo chứ không phải tố cáo. Bởi lẽ, với giao dịch chuyển khoản, chị Chuyên chỉ biết tên, số tài khoản và không hề biết người đó ở đâu, bao nhiêu tuổi… Do vậy, công an không thể tạm giữ số tiền 45 triệu đồng để phục vụ công tác điều tra. Mặt khác, nếu giữ số tiền đó để phục vụ công tác điều tra, mở rộng truy xét về sau như đề nghị của điều tra viên, thì phải có văn bản tạm giữ tài sản. Nội dung nêu rõ việc tạm giữ số tiền là bao nhiêu và tạm giữ trong thời gian bao lâu”.