Từ thư bạn đọc

Rắc rối thủ tục khai nhận di sản thừa kế

Rắc rối thủ tục khai nhận di sản thừa kế

Muốn sang cho, chuyển nhượng, mua bán, thế chấp hay sửa chữa nhà ở do cha mẹ để lại, các con phải làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế. Thủ tục này đã và đang gây phiền hà cho nhiều người…

“Bó tay” vì... thủ tục

Rắc rối thủ tục khai nhận di sản thừa kế ảnh 1

Người dân đang làm thủ tục giấy tờ tại quận Tân Phú. Ảnh: M.Y.

Bà Đỗ Thị Thu, năm nay gần 80 tuổi, ngụ tại huyện Hóc Môn, TPHCM cảm thấy sức khỏe của mình ngày càng giống như “đèn treo trước gió”.

Bà cho gọi anh Trần Minh, con trai út - đến và bảo: “Mẹ cho con căn nhà này để ổn định đời sống vì các anh chị của con đều có nhà cửa rồi. Con nên đi làm thủ tục sang tên nhà khi mẹ còn sống thì dễ làm hơn…”.

Nghe lời mẹ, anh Minh đến Phòng Công chứng số 4 hỏi cách làm thủ tục giấy tờ và được công chứng viên ở đây nói: “Luật Thừa kế có rồi, cứ theo đó mà làm…”.

Chuyện tưởng dễ nhưng đụng vào anh Minh mới thấy nó rắc rối đến không ngờ. Giấy chủ quyền nhà do mẹ anh đứng tên, cứ tưởng rằng chỉ cần thủ tục mẹ cho tặng là xong. Nhưng ngặt nỗi, Luật Thừa kế đòi phải làm rõ chuyện có tên mẹ ắt phải có tên cha.

Rắc rối phát sinh từ đây, vì lẽ cha anh Minh đã qua đời từ năm 2000 (lúc chưa ban hành Luật Thừa kế). Hơn nữa, ông lại không đứng tên chủ sở hữu căn nhà này nên không thể có di chúc về tài sản thừa kế.

Theo hướng dẫn của công chứng viên, anh Minh phải xuất trình hàng loạt giấy tờ như: giấy chứng tử của cha anh; giấy đăng ký kết hôn của cha mẹ; giấy khai sinh của 6 anh em trong gia đình anh; giấy khai sinh, chứng tử của ông bà nội đã chết… cả thế kỷ nay!? Trải qua hai cuộc chiến tranh, giấy tờ cá nhân thường bị thất lạc, làm sao tìm cho được giấy tờ đăng ký kết hôn của cha mẹ đã hơn 60 năm qua? Đó là chưa kể phải “bay đi” từng tỉnh, thành để trích lục giấy khai sinh cho từng anh, chị ruột vì mỗi người sinh ra ở mỗi tỉnh, thành khác nhau.

Chưa hết, cha anh qua đời đã 8 năm nay, ông bà nội anh cũng qua đời từ những năm 1950, thế mà vẫn phải khai cả tên tuổi những “người thiên cổ” để xem có còn phải phụng dưỡng nữa không thì mới được phép tặng cho nhà! Dù cố gắng làm theo ý nguyện cuối đời của mẹ, nhưng anh Minh đành bó tay vì chẳng thể nào hoàn tất nổi toàn bộ hồ sơ khai nhận di sản thừa kế.

Để giải quyết vấn đề này, mọi người trong gia đình anh đành đứng trước các “giải pháp”: một là bán nhà đi mua nơi khác, hai là bỏ tiền thuê “cò” thì việc gì cũng xong.

Thủ tục càng rối, “cò” càng có “đất sống”

Theo quy định của pháp luật: nếu người để lại di sản là nhà đất mà khi chết không để lại di chúc, thì những người được hưởng thừa kế di sản theo pháp luật gồm cha mẹ, vợ hoặc chồng, các con của người để lại di sản phải làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế để mua bán, thế chấp, chuyển nhượng hay xây dựng sửa chữa nhà.

Thủ tục này phải thực hiện tại cơ quan công chứng và niêm yết 30 ngày tại địa phương, nơi người để lại di sản thừa kế cư trú hoặc nơi có tài sản. Nghị định 75/CP về công chứng quy định: để làm được thủ tục khai nhận di sản thừa kế thì những người thuộc diện được thừa kế di sản có nghĩa vụ xuất trình các giấy tờ chứng minh mối quan hệ với người chết.

Nhìn lại thực tế, thủ tục khai nhận di sản thừa kế quy định tại Nghị định 75/CP về công chứng rất cứng nhắc. Nó đã và đang gây khó khăn cho nhiều người, bởi lẽ rất ít người đáp ứng đủ các loại giấy tờ rất khó trích lục và tìm lại như nêu ở trên.

Trước đây, một số phòng công chứng của TPHCM cho phép người dân tự cam kết về việc thiếu những giấy tờ này nhưng hiện tại không có quy định nào cho phép làm giấy cam kết, nên Sở Tư pháp TPHCM yêu cầu các phòng công chứng chỉ thực hiện công chứng đối với những hồ sơ hội đủ toàn bộ giấy tờ theo quy định của Luật Thừa kế.

Quy định này đã khiến cho không ít người dân lâm vào cảnh bế tắc khi làm thủ tục chuyển nhượng, sang cho, thế chấp hay sửa chữa nhà ở.

Đáng nói là trong khi dân kêu khổ vì thủ tục giấy tờ nhiêu khê, bị hành đủ đường thì không hiểu sao chỉ cần bỏ tiền thuê dịch vụ nhà đất hoặc “cò”, thì hồ sơ dẫu có rắc rối đến mấy cũng hoàn tất rất nhanh!? Theo khảo sát riêng của chúng tôi, giá thuê “cò nhà đất” có thể 3 – 5 triệu đồng hoặc 10 - 30 triệu đồng trở lên, tùy mức độ của hồ sơ khó hay dễ... Có nơi, người dân bị từ chối tiếp nhận hồ sơ ngay vòng ngoài, nhưng sau đó họ thuê dịch vụ thì được giải quyết ngay!? Rõ ràng, thủ tục hành chính càng rắc rối phiền hà thì càng tạo “đất sống” cho đội quân “cò nhà đất” làm giàu… 

MINH YẾN

Tin cùng chuyên mục