Hiện nay, từ các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ hay giao thông liên thôn… đến các khu dân cư trên địa bàn tỉnh Quảng Nam luôn ở trong tình trạng báo động về rác thải. Rác được người dân tập kết theo từng điểm, có nơi bị vứt tràn cả ra đường bốc mùi hôi thối. Dọc tuyến đường 40B, từ huyện Phú Ninh đến huyện Tiên Phước, rác chất thành đống nằm rải rác bên đường, bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng bu đầy. Tại chợ Tam Dân (huyện Phú Ninh), rác thải chất thành đống ngay nơi tập trung rất đông người. Tại TP Tam Kỳ, rác cũng có mặt khắp nơi khiến cuộc sống người dân đảo lộn. Người dân than trời, chính quyền thì loay hoay không biết cách nào để gỡ.
Ông Trần Văn Cảnh (49 tuổi, xã Tam Dân, huyện Phú Ninh) cho biết, đã khá lâu rồi không thấy xe thu gom rác đến đây để chở rác đi như trước đây nữa. “Rác ứ đọng lại khiến môi trường ô nhiễm, ruồi nhặng khắp nơi. Bên cạnh lý do xe chở rác không đến thu gom thì ý thức của người dân trong việc phân loại rác cũng khiến môi trường ô nhiễm nặng hơn. Nhiều hộ giết mổ gà, vịt… vứt cả túi ni lông, nội tạng chung với nhau nên mùi hôi thối khủng khiếp”, ông Cảnh nói. Tương tự, ông Nguyễn Lập (50 tuổi, ở xã Tam Ngọc) rất bức xúc: “Hiện nay, tình trạng rác thải đã khủng hoảng rồi. Chưa bao giờ Quảng Nam lại xảy ra tình trạng rác ứ đọng kinh khủng thế này”.
Trước tình trạng rác ngập từ quê ra phố ở Quảng Nam, nhiều cuộc họp để nhận định nguyên nhân và tìm kiếm giải pháp. Theo đó, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập rác là do các khu xử lý rác thải bị “cấm đường”, lò đốt rác bị phản đối không cho xây dựng, bãi chứa rác quá tải... Theo Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam, với lượng rác thải tồn đọng khoảng 400m3/ngày chưa được thu gom, vận chuyển và xử lý, đến nay lượng rác tồn đọng trên địa bàn tỉnh vào khoảng 17.000m3. Những địa phương có lượng rác tồn đọng nhiều gồm huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, TP Tam Kỳ, TX Điện Bàn… Hiện tại, công ty đang vận hành 3 khu xử lý rác lớn nhất của tỉnh, trong đó Khu xử lý rác thải Đại Hiệp (huyện Đại Lộc) đã đầy, chuẩn bị đóng cửa; Khu xử lý rác Tam Xuân 2 (huyện Núi Thành) đã tạm ngưng hoạt động từ ngày 24-7 do bị người dân phản đối; Khu xử lý rác thải Tam Nghĩa (huyện Núi Thành) xử lý rác chủ yếu trên địa bàn huyện Núi Thành và Khu kinh tế mở Chu Lai.
Ông Chung Thành Đông, Giám đốc Công ty CP Môi trường Đô thị Quảng Nam, cho hay đơn vị đứng ra thu gom rác trên 10 huyện, thành phố, thị xã trên toàn tỉnh với mỗi ngày khoảng 1.000 tấn; nhưng hiện nay công ty chỉ thu gom được khoảng 400 tấn, số còn lại phải tồn đọng ở các địa phương. Nếu Khu xử lý rác Tam Xuân 2 hoạt động trở lại phải mất 2 - 3 tháng mới thu gom hết lượng rác tồn đọng trong thời gian qua.
Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết, hiện tỉnh đã huy động nhiều cơ quan chức năng liên quan vào cuộc để xử lý vấn đề rác thải nổi cộm hiện nay. Đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thu gom, phân loại rác thải tại nguồn, ở từng hộ gia đình. “Quan trọng nhất vẫn là cần sự đồng thuận của người dân cùng đồng hành với chính quyền trong câu chuyện rác thải. Chính quyền biết những khó khăn mà người dân bị ảnh hưởng, hay lo lắng về các lò đốt rác nên đã tìm mọi phương án tối ưu nhất để có thể giải quyết vấn đề rác thải tồn đọng như hiện nay một cách nhanh nhất”, ông Lê Trí Thanh phân bua.