Rác thải ngập lòng hồ lâu ngày gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, nguy hiểm cho giao thông đường thủy, nuôi trồng đánh bắt thủy sản…
Bà Lương Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông, cho biết, xã có 4 thuyền chở khách hoạt động trong lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Những thuyền này mỗi ngày phục vụ hàng trăm lượt khách và người dân trong vùng.
“Mặc dù biết rác phủ nhiều trên lòng hồ gây nguy hiểm nhưng người dân không thể không đi, vì đây là con đường ngắn nhất và cũng là duy nhất để dân bản đến được UBND xã. Vì lý do an toàn cho người dân, chính quyền xã và công an địa phương đã thường xuyên tuyên truyền cho người dân và chủ thuyền khi tham gia giao thông đường thủy nội địa. Xã cũng đã phản ánh lên chính quyền cấp trên qua các cuộc họp để có hướng thu gom, vớt rác, đảm bảo an toàn, hạn chế ô nhiễm môi trường”, bà Vân Anh cho hay.
Ông Hồ Sỹ Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Nghệ An, khẳng định: “Việc thu dọn rác tại lòng hồ thủy điện phải do đơn vị vận hành, quản lý thực hiện. Rác ứ đọng tại lòng hồ thủy điện Bản Vẽ thì nhà máy này chịu trách nhiệm dọn dẹp. Chúng tôi cũng đã có văn bản gửi các chủ đập thủy điện, trong đó có thủy điện Bản Vẽ”.
Tuy nhiên, ông Tạ Hữu Hùng, Phó Giám đốc Công ty CP Thủy điện Bản Vẽ lại cho rằng, không có một văn bản pháp luật nào quy định chủ đập thủy điện phải dọn rác thải tại lòng hồ sau khi đã vận hành cả.
“Chúng tôi không tự tạo ra rác được, lượng rác do thượng nguồn đổ về. Chúng tôi cũng muốn dọn cho sạch, nhưng khổ nỗi không có căn cứ pháp luật nên khi dọn xong kiểm toán vào kiểm tra đưa ra khỏi hạng mục được phép chi, thanh toán thì chúng tôi lấy tiền đâu mà bù?”, ông Hùng lý giải.
Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, cho rằng: “Rác ngập lòng hồ thủy điện Bản Vẽ thì nhà máy phải có trách nhiệm vệ sinh, tránh ô nhiễm môi trường nguồn nước thượng nguồn. Việc nhà máy nói trách nhiệm dọn lòng hồ thuộc về chính quyền khiến chúng tôi hết sức bức xúc. Ai lại rác nhà mình mà đi bắt hàng xóm quét cho cơ chứ?".