Khắp nơi bị vẽ bậy
Những bức tường bị vẽ bậy như nhà anh Đông không phải lạ ở TPHCM, rảo qua một số tuyến đường, chúng tôi ghi nhận rất nhiều căn nhà, bức tường đẹp đẽ trở nên xấu xí, bẩn thỉu chỉ sau một đêm ngủ dậy.
Đường Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận) với những bức tranh kỳ dị được vẽ chi chít trên tường rào, tủ điện hay cửa cuốn của nhà ai đó. Chị Phạm Hải Cầm (ngụ quận 3) tiếc nuối: “Gần 2 năm nay trên con đường này, thi thoảng tôi lại bắt gặp những bức tranh khó hiểu, vẽ cẩu thả trên tường rào của các công trình đang xây dựng, làm xấu cả con đường. Tôi nghĩ, nghệ thuật là thứ làm cuộc sống tươi đẹp hơn, nhưng với nghệ thuật kiểu này sẽ khiến tâm trạng tệ đi”.
Xuôi về trung tâm thành phố, tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa như trở thành nơi quen thuộc để các “họa sĩ” thỏa sức sáng tạo, bởi vậy mà nơi đây có hàng chục bức tranh chen chúc nhau trình làng.
Tường rào Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM đầy rẫy những hình ảnh loằng ngoằng. Hệ lụy nặng nề nhất là bức tường rào dài hàng trăm mét trên hẻm 15B Lê Thánh Tôn (quận 1) được người dân ví von là “bức tường ma” khi những nét sơn bị phai màu, để lại hình ảnh vốn đã rất kỳ dị, nay cũ kỹ, nét còn nét mất xấu xí.
Ở góc Công viên 23-9, những tủ điện, trạm biến áp cũng bị bôi bẩn bởi nhiều lớp sơn ngang dọc. Kế đó là 2 mặt cửa cuốn của một siêu thị điện thoại cũng trở thành nơi sáng tác của “họa sĩ” đường phố. Hay dọc tuyến đường Pasteur, Nguyễn Trung Trực, Lý Tự Trọng (quận 1), Cách Mạng Tháng 8 (quận 10), Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận)… là hàng chục điểm bị vẽ bậy từ trạm dừng xe buýt, tủ điện, đến tường rào và cửa cuốn nhà dân.
Đây là sản phẩm của những bạn trẻ mê nghệ thuật Graffiti (hay còn gọi là tranh nghệ thuật đường phố). Lúc trước, những bạn trẻ này ở TPHCM thường tìm đến các căn nhà bỏ hoang để thỏa sức sáng tạo. Sau một thời gian, những địa điểm ấy ít dần, các bạn bắt đầu tìm đến những bức tường, tủ điện trên đường phố. Bị người dân phàn nàn, họ lén vẽ ban đêm, vẽ bất kỳ đâu họ thích, cốt chỉ để thỏa mãn thú vui của mình.
Chế tài - có nhưng không được quan tâm
Theo luật sư Ngô Việt Bắc, Trưởng Văn phòng luật sư Sài Gòn Tây Nguyên, nếu người thực hiện các bức vẽ ấy ở chính nhà, tường rào hoặc cửa cuốn của chính họ thì sẽ không sao, nhưng ở những địa điểm khác thì cần căn cứ vào hậu quả để xem xét. Nếu vẽ làm xấu cảnh quan và có thể làm bẩn khuôn viên nhà người khác, nơi công cộng, người vẽ sẽ bị xử phạt hành chính quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với hành vi đổ, ném chất thải, chất bẩn hoặc các chất khác làm hoen bẩn nhà ở, cơ quan, trụ sở làm việc, nơi sản xuất kinh doanh của người khác; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Trong trường hợp người vẽ lên tường rào hoặc cửa cuốn các công trình xây dựng đang sử dụng thuộc sở hữu của người khác, làm giảm giá trị sử dụng của công trình thì tùy theo mức độ thiệt hại, họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 178 Bộ luật hình sự 2015 đối với tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Tất nhiên, hành vi vẽ Graffiti không làm hủy hoại tài sản, nhưng làm hư hỏng tài sản thì có thể. Bởi lẽ, hành vi làm hư hỏng tài sản được hiểu là hành vi “làm cho tài sản bị giảm đáng kể giá trị sử dụng, việc giảm giá trị tài sản đó có thể khôi phục được (khôi phục lại như cũ hoặc khôi phục được một phần) và nếu số tiền bỏ ra để khôi phục hiện trạng ban đầu từ 2 triệu đồng trở lên, người vẽ Graffiti có thể bị khởi tố hình sự.
Tuy nhiên, từ trước đến nay, các địa phương chưa thực sự quan tâm đến các chế tài này. Đơn cử như tại TPHCM, mãi đến cuối năm 2016 UBND phường Phạm Ngũ Lão (quận 1) mới xử phạt trường hợp đầu tiên vẽ bậy lên tường công trình ở Công viên 23-9 với mức phạt hành chính 1,5 triệu đồng. Từ đó đến nay, không ghi nhận thêm địa phương nào xử phạt hành vi này. Vô số lý do để các địa phương né trách nhiệm, như các đối tượng thường vẽ lén lút vào ban đêm, thực hiện trong thời gian ngắn nên khó bắt quả tang và tiến hành xử phạt…
“Tranh nghệ thuật đường phố không xấu, chính cách hành xử của con người mới là điều không nên. Đơn cử như bích họa Ba miền đất nước Việt Nam trên tường rào đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1) cũng là tranh nghệ thuật đường phố, nhưng tác giả vẽ với niềm đam mê nghiêm túc và gửi gắm trong đó tình yêu quê hương đất nước, tạo cho người xem cảm giác tự hào, xúc động. Đằng này, nhiều “họa sĩ” đường phố vẽ hình ảnh, chữ nghĩa không mang thông điệp gì, nếu chưa muốn nói là kỳ dị và vô bổ thì thật khó để chấp nhận”, anh Hoàng Huy Vũ (ngụ quận 1) tâm sự.
Nhiều ý kiến cho rằng, giá như tranh vẽ mang lại thông điệp nào đó tích cực cho xã hội thì người dân sẽ ủng hộ, đằng này ngược lại. Và khi chưa thực hiện nghiêm chế tài, người trẻ lại ra sức vẽ bậy nơi công cộng.