Rà soát, xử lý hành vi núp bóng sáng tạo nghệ thuật làm ô nhiễm môi trường văn hóa

Liên quan tới kiến nghị của cử tri TPHCM về việc xử lý những hành vi lợi dụng tự do ngôn luận, tự do sáng tạo, núp bóng nghệ thuật và nghệ sĩ làm ô nhiễm môi trường văn hóa, đầu độc tâm hồn con người, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng đã có văn bản nêu rõ, sẽ thường xuyên rà soát, đánh giá những hạn chế, bất cập để có điều chỉnh công tác quản lý kịp thời.

Cũng theo Bộ VH-TT-DL thời gian qua, bộ đã tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành các văn bản liên quan tới việc chấn chỉnh, làm lành mạnh môi trường văn hóa.

Cụ thể như Nghị định số 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn có hiệu lực đối với công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động biểu diễn nghệ thuật được chính quyền địa phương các cấp thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc và thường xuyên.

Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo và Nghị định số 129/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo.

Theo đó, mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo đã nâng mức phạt tiền tối đa đối với các đơn vị tổ chức, đình chỉ hoạt động đối với đơn vị tổ chức và đình chỉ hoạt động biểu diễn từ 12 đến 24 tháng và áp dụng một số biện pháp khắc phục hậu quả: buộc tiêu hủy tang vật, buộc nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp…

Luật Điện ảnh năm 2022 được thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã quy định cụ thể hơn về các điều cấm trong hoạt động điện ảnh (tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước, truyền bá, ủng hộ chủ nghĩa cực đoan, kích động bạo lực, xúc phạm nhân phẩm con người, trái thuần phong mỹ tục…)

Trước đó, Bộ VH-TT-DL cũng ban hành quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật; trong đó quy định người tham gia hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặt lợi ích của dân tộc, quốc gia lên trên hết, trước hết, trọng danh dự, đề cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm của người hoạt động nghệ thuật; gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật theo tinh thần “thượng tôn pháp luật”, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân; không làm tổn hại uy tín của tập thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác; giữ gìn phẩm chất đạo đức, uy tín, danh dự của người hoạt động nghệ thuật phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa Việt Nam…

Lãnh đạo Bộ VH-TT-DL cũng nêu rõ, để đảm bảo cho môi trường văn hóa phát triển lành mạnh, phục vụ nhu cầu giải trí của nhân dân, bộ sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật về nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo; đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo vào năm 2024, tiến tới xây dựng Luật về nghệ thuật biểu diễn vào năm 2025; đồng thời phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu trình Chính phủ ban hành các nghị định về xử lý vi phạm hành chính.

Tin cùng chuyên mục