Trường học linh động bố trí thời khóa biểu
Bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM) cho biết, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 - hiện đang triển khai cuốn chiếu ở các khối 1, 2, 3, 4 quy định tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút.
“Chương trình xây dựng khung chung thống nhất, không phân định đâu là chương trình buổi 1, đâu là buổi 2 mà mang tính mở cho các đơn vị thực hiện. Trong đó, chương trình quy định các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc. Cơ sở giáo dục tổ chức dạy học 1 buổi/ngày và 2 buổi/ngày đều thực hiện các nội dung giáo dục bắt buộc thống nhất chung trong cả nước”, đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cho biết.
Trong đó, theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, số tiết học trung bình/tuần đối với học sinh lớp 1, 2 là 25 tiết; lớp 3 là 28 tiết và lớp 4, 5 là 30 tiết.
Như vậy, so với tổng thời lượng dạy học 35 tiết/tuần, lớp 1 và 2 còn thiếu 10 tiết, lớp 3 thiếu 7 tiết và lớp 4, 5 thiếu 5 tiết. Đây là thời gian cho các trường tổ chức các hoạt động củng cố để học sinh hoàn thành các nội dung học tập; hoạt động giáo dục đáp ứng nhu cầu, sở thích, năng khiếu của học sinh; các hoạt động tìm hiểu tự nhiên, xã hội, văn hóa, lịch sử, truyền thống của địa phương.
Riêng các cơ sở chưa tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, sau khi hoàn thành chương trình chính khóa, nhà trường lựa chọn nội dung hoạt động phù hợp trên cơ sở đồng thuận của phụ huynh.
Thời khóa biểu cần được sắp xếp khoa học, bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa các nội dung dạy học và hoạt động giáo dục, phân bổ hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học, phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi học sinh. Việc tổ chức các hoạt động sau giờ học chính thức dưới hình thức câu lạc bộ phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
“Các hoạt động giáo dục tăng cường không được gây quá tải hoặc bắt buộc tất cả học sinh tham gia. Trường học không được xếp lịch các hoạt động tự nguyện vào giờ học chính khóa nếu trong lớp có học sinh không đăng ký tham gia. Những học sinh không đăng ký tham gia có thể được sắp xếp tham gia các câu lạc bộ, hoạt động khác phù hợp do giáo viên nhà trường thực hiện trong cùng khung giờ”, bà Lâm Hồng Lãm Thúy lưu ý.
Đối với bậc trung học, Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM) Lê Duy Tân nhấn mạnh, ngoài chương trình chính khóa do Bộ GD-ĐT ban hành, chương trình nhà trường không được thiết kế tùy hứng, xa rời các mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông.
Do đó, việc các trường triển khai mô hình lớp học theo phương pháp mới, lớp học phục vụ kỳ thi đánh giá năng lực... là sai so với mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông.
Về thời lượng, trường học triển khai thời khóa biểu nhiều hơn 8 tiết/ngày là sai so với quy định chung của chương trình.
“Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 chưa kết thúc lộ trình triển khai cuốn chiếu, đồng thời chưa có văn bản hướng dẫn tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Do đó, hiện các trường vẫn thực hiện theo hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày của chương trình trước đây, trong đó hoạt động buổi 2 phải bám sát, bổ sung chương trình chính khóa, đáp ứng mục tiêu phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cho người học”, ông Lê Duy Tân bày tỏ.
Đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cũng lưu ý, các hoạt động giáo dục tăng cường, bổ sung trong chương trình buổi 2 nếu triển khai đại trà sẽ tạo áp lực cho học sinh.
Vì vậy, để có sự đồng thuận của phụ huynh, kế hoạch dạy học buổi 2 phải được các trường thực hiện tường minh, thời khóa biểu phân định rạch ròi giữa các nội dung, tránh để phụ huynh hiểu nhầm tất cả hoạt động đều triển khai đại trà, bắt buộc tất cả học sinh tham gia.
Trăn trở các khoản thu dịch vụ
Thầy Lê Ngọc Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh (quận 4) cho rằng, Nghị quyết 04 do HĐND TPHCM ban hành quy định các khoản thu, mức thu đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục áp dụng từ năm học 2023-2024 giúp các trường có sự linh hoạt, chủ động hơn trong triển khai các hoạt động.
Tuy nhiên, cái khó hiện nay là nếu áp dụng mức thu theo nghị quyết này, trường phải bố trí 2 học sinh dùng chung một máy tính. Trong khi đó, nếu muốn bố trí mỗi học sinh một máy tính riêng biệt thì mức thu phải tăng lên, vượt mức trần theo quy định của Nghị quyết 04.
Bên cạnh đó, theo ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, chương trình dạy học 2 buổi/ngày được thiết kế trong điều kiện trường bố trí đủ giáo viên.
"Hiện nay, chúng ta bố trí giáo viên theo tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp, trong khi đó muốn đáp ứng chương trình mới phải đạt 1,65 giáo viên/lớp. Chưa kể, nhiều trường học đối mặt bài toán không tuyển đủ giáo viên. Theo quy định, ngân sách nhà nước không phân bổ tiền cho các vị trí giáo viên còn thiếu", ông Trịnh Vĩnh Thanh nêu và theo ông, như vậy, dù chọn giải pháp tăng tiết đối với giáo viên hiện có hay hợp đồng thỉnh giảng giáo viên bên ngoài thì trường phải tự cân đối kinh phí chi trả lương cho đội ngũ này.
"Để gỡ khó cho các trường học, cơ quan quản lý cần tính toán bổ sung thêm định biên giáo viên hoặc quy định cơ chế chi trả lương cho giáo viên thỉnh giảng hoặc tăng tiết", Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp nêu.
Chia sẻ khó khăn chung của các đơn vị, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu thông tin, Sở GD-ĐT TPHCM đang tham mưu HĐND TPHCM ban hành chính sách thu hút giáo viên đối với các bộ môn đặc thù, môn học thiếu nguồn tuyển giáo viên.
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Song song đó, lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu các phòng GD-ĐT rà soát tất cả khoản thu đang thực hiện ở các đơn vị trường học, khuyến khích chủ trương không dùng tiền mặt.
Trường học phải xây dựng dự toán thu, chi đối với các khoản thu, không được cứng nhắc áp dụng mức thu cao nhất (mức trần theo quy định từng khoản thu của Nghị quyết 04).