Quy hoạch chồng lấn quy hoạch
Ngày 18-7-2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 866/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 866 - PV). Tuy nhiên, việc quy hoạch bô xít đã khiến các địa phương gặp không ít bất lợi trong triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội, vì đụng đâu cũng vướng dự án bô xít.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, tỉnh hiện có 1.062 dự án vướng quy hoạch bô xít nên chưa thể triển khai hoặc triển khai rất chậm. Riêng năm 2023, Đắk Nông có 425 dự án, công trình đang dừng do nằm trong vùng quy hoạch bô xít. Trong đó, có 37 dự án cần phải tháo gỡ kịp thời để đảm bảo tiến độ giải ngân, giải quyết tình trạng giao thông xuống cấp.
Tại huyện Đắk R’lấp, hàng trăm hộ dân có diện tích đất nằm trong quy hoạch bô xít phải thu hồi. Tuy nhiên, nhiều hộ dân đến nay vẫn chưa được bố trí tái định cư nên họ phải bám trụ trên diện tích đang khai thác bô xít. Nguyên nhân là do đất tái định cư cũng vướng quy hoạch bô xít. Nhiều gia đình ở xã Đắk Wer (huyện Đắk R’lấp) vẫn phải sống trên diện tích đang khai thác bô xít để chờ bố trí tái định cư.
Ông Lương Văn Chài (xã Đắk Wer) cho biết: “Gia đình tôi và nhiều hộ dân tại khu vực hiện nay đều có đất nằm trong quy hoạch bô xít. Chúng tôi chấp thuận bàn giao đất để thực hiện dự án nhưng nhiều năm nay địa phương vẫn chưa bố trí đất tái định cư”.
Ông Nguyễn Quang Tứ, Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp cho biết: “Huyện quy hoạch 6 khu tái định cư cho người dân, tuy nhiên có đến 5 khu tại các xã Đắk Wer, Nghĩa Thắng, Kiến Thành vướng quy hoạch bô xít. Từ năm 2006 đến nay, địa phương cũng đang “nợ” người dân 486 lô đất tái định cư cho 379 hộ. Hiện chính quyền địa phương cũng đang chờ Chính phủ giải quyết vấn đề này”.
Tương tự, tại TP Bảo Lộc, sau khi có quy hoạch bô xít, người dân tại đây rơi vào hoàn cảnh “dở khóc dở cười”.
Ông Nguyễn Đức Huy (phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc) cho biết: “Chúng tôi đã hoàn thành chuyển đổi mục đích sử dụng đất để chuẩn bị xây nhà nhưng khi liên hệ cơ quan chức năng xin giấy phép xây dựng thì không được chấp thuận vì vướng quy hoạch bô xít”.
Thậm chí, nhiều trường hợp giấy phép xây dựng đã cấp trước đây giờ cũng phải nằm chờ.
TP Bảo Lộc hiện có hàng loạt dự án phê duyệt trước thời điểm Quyết định 866. Trong đó, có nhiều dự án dân sinh bị ảnh hưởng. Theo UBND TP Bảo Lộc, địa bàn có tổng cộng 23 tổ dân phố và thôn bị ảnh hưởng của ranh quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản theo Quyết định 866. Đặc biệt là quy hoạch thăm dò bô xít cũng "đè" lên hai dự án cao tốc Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) – Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) và dự án cao tốc đoạn Bảo Lộc – Liên Khương.
Theo Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc Nguyễn Văn Phương, việc cập nhật ranh quy hoạch khoáng sản theo Quyết định 866 sẽ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu quy hoạch các loại đất khác. Trường hợp nếu có nhà đầu tư thực hiện dự án thì cũng không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và chỉ tiêu đất khoáng sản được duyệt. Đồng thời, việc giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân trong ranh quy hoạch theo Quyết định 866 cũng vướng mắc, dẫn đến phát sinh nhiều phản ánh kiến nghị của người sử dụng đất.
Huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) cũng có tới 51.244,2ha (chiếm 35,03% diện tích đất tự nhiên) của địa phương nằm trong ranh quy hoạch, gây ảnh hưởng lớn đến sinh kế của người dân. Ngoài ra, cũng giống như các địa phương khác, hàng loạt các dự án đã được phê duyệt trước đó liên quan đến xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ đời sống xã hội trên địa bàn huyện cũng bị quy hoạch bô xít bao trùm không thể triển khai.
Rà soát lại tính hiệu quả
Qua khảo sát thực tế, khu vực được quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản bô xít trên địa bàn TP Bảo Lộc có khu vực không chứa khoáng sản hoặc có khoáng sản trữ lượng không tập trung, phân tán, hàm lượng trữ lượng thấp. Trường hợp có triển khai dự án thì chi phí bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư sẽ chiếm phần kinh phí khá lớn.
Ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng: “Quyết định 866 cho thấy có rất nhiều điểm chồng lấn về quy hoạch khoáng sản, cụ thể ở Tây Nguyên là bô xít. Đề nghị các tỉnh Tây Nguyên rà soát, nếu thấy các dự án bô xít không khả thi thì đề xuất để bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết”.
Không riêng các dự án, hàng trăm mỏ khoáng sản của tỉnh Đắk Nông cũng vướng quy hoạch bô xít khiến địa phương gặp khó trong khai thác nguồn nguyên vật liệu xây dựng. Ông Võ Văn Minh, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đắk Nông cho biết, diện tích quy hoạch bô xít quá rộng, chồng lấn với 232 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (cát, đá, sỏi, đất san lấp). Những mỏ khoáng sản này nếu không được khai thác thì sẽ thiếu hụt nguồn nguyên vật liệu của địa phương và dẫn đến gia tăng chi phí đầu tư xây dựng.
Trao đổi với Báo SGGP, ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết, tỉnh này đang tiếp tục kiến nghị Trung ương có giải pháp gỡ vướng quy hoạch bô xít để phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ cần có cơ chế, chính sách đầu tư, giải quyết thỏa đáng các vấn đề chồng chéo, nhằm tạo không gian phát triển, tránh sự kìm hãm, hạn chế giữa các quy hoạch...
Trong khi đó, TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) cũng vừa kiến nghị cơ quan có thẩm quyền đưa vào khu vực hạn chế, cấm hoặc tạm thời cấm hoạt động khoáng sản đối với một loạt dự án, công trình cấp bách, quan trọng, đặc biệt là các dự án đầu tư công; các dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật vì lợi ích quốc gia, công cộng để gỡ khó.
“TP Bảo Lộc có diện tích khá nhỏ (khoảng 230km2) nên không khuyến khích các dự án khai thác khoáng sản bô xít, mà chỉ khuyến khích các dự án đầu tư chế biến bô xít. Các khu vực thăm dò bô xít được phê duyệt giai đoạn 2005-2010 hiện tại đã hình thành các khu dân cư, cơ sở sản xuất. Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, TP Bảo Lộc đã và đang có kế hoạch đầu tư các công trình, dự án, đặc biệt là các dự án khu tái định cư phục vụ cho các dự án phát triển kinh tế xã hội của địa phương”, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc cho biết.
Theo Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Quý Kiên, Tây Nguyên cần rà soát các phương án sử dụng đất, đất nông lâm trường do các bộ, ngành Trung ương quản lý để giao lại cho địa phương… Quy hoạch 10 dự án bô xít đến năm 2030 là vượt khả năng thực hiện, trong khi bô xít không phải là khoáng sản quý và quỹ đất quy hoạch bô xít không được sử dụng cho các mục đích khác vì vậy cần phải rà soát lại.
Theo quy hoạch bô xít giai đoạn 2021 – 2030, cả nước có 19 đề án thăm dò (trữ lượng 1.709 triệu tấn quặng nguyên khai), trong đó Đắk Nông có 7 đề án, Lâm Đồng 8 đề án.
Với khâu khai thác, sẽ mở rộng mỏ Nhân Cơ, Tân Rai, đầu tư mới 8 – 10 mỏ. Về chế biến, sẽ nâng công suất Nhà máy Alumin Nhân Cơ và Tân Rai lên 2 triệu tấn/năm, đầu tư mới 8 dự án với công suất tối thiểu 1 triệu tấn/năm. Quy hoạch cũng đề cập việc hoàn thành thí điểm Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông (công suất 300.000 tấn nhôm thỏi/năm).
Đầu tư mới các dự án nhôm kim loại tại Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước với tổng công suất 1,2 – 1,5 triệu tấn thỏi nhôm/năm…