PHÓNG VIÊN: Thực tế rất nhiều trường hợp học sinh tham gia BHYT liên tục trong các năm ngay từ khi học ở các cấp tiểu học, THCS và THPT. Thế nhưng trên thẻ BHYT của các em đều ghi dòng chữ: “Thời điểm đủ 5 năm liên tục từ 1-1-2023”. Thưa bà, vì sao có tình trạng này?
Bà NGUYỄN THỊ THU: Các năm trước đây, do BHXH TPHCM chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý tập trung nên hàng năm khi các em học sinh tham gia BHYT thì được cấp các mã thẻ BHYT khác nhau. Do đó, khi thực hiện chỉ đạo tại văn bản 3340/BHXH-ST ngày 8-8-2017 của BHXH Việt Nam về việc cấp sổ BHXH, thẻ BHYT theo mã số BHXH mới (làm tiền đề để cấp thẻ BHYT điện tử) thì việc tra cứu và đồng bộ với cơ sở dữ liệu mã thẻ BHYT cũ có sai sót, dẫn đến việc ghi nhận thời điểm đủ 5 năm liên tục của một số học sinh, sinh viên chưa đúng. BHXH TPHCM đang rà soát để khắc phục và tiếp tục hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu này.
Việc ghi sai thông tin về thời điểm tham gia BHYT liên tục 5 năm có ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHYT khi chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo, phải điều trị bằng kỹ thuật cao, hay không?
Điểm c Khoản 1 Điều 22 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định: Người tham gia BHYT hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến. Khoản 5 Điều 12 Nghị định 146/2018 cũng quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT. Theo đó, thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên đối với đối tượng phải cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh là thời gian sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần sau nối tiếp lần trước; trường hợp gián đoạn không quá 3 tháng.
Thực hiện quy định trên, người tham gia BHYT 5 năm liên tục và có số tiền đồng chi trả trong năm quá 6 tháng lương cơ sở (hiện nay lương cơ sở là 1.390.000 đồng, tương ứng 8.340.000 đồng) thì được quỹ BHYT thanh toán chi phí 100% trong phạm vi quyền lợi. Người tham gia được cơ quan BHXH cấp “giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm” và không phải đồng chi trả 5% hoặc 20% (tùy theo đối tượng quy định của Luật BHYT) chi phí khám chữa bệnh cho đến hết năm. Từ ngày 1-1 năm sau, tiếp tục đồng chi trả lại từ đầu cho đến khi đủ 6 tháng lương cơ sở, thì được cấp “giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm”. Trường hợp học sinh đã tham gia BHYT 5 năm liên tục nhưng bị ghi sai, nếu chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo, phải điều trị kỹ thuật cao, mà có số tiền đồng chi trả trong năm quá 6 tháng lương cơ sở, thì vẫn được đảm bảo quyền lợi BHYT theo quy định của luật. BHXH TPHCM sẽ điều chỉnh lại thông tin và đổi thẻ BHYT có dòng chữ 5 năm liên tục đúng quy định cho người tham gia.
Liệu thẻ BHYT của học sinh TPHCM giá trị sử dụng từ ngày 1-1-2019 có được cơ quan BHXH cập nhật và ghi chính xác thời điểm tham gia BHYT liên tục 5 năm nhằm đảm bảo quyền lợi thiết thực của người tham gia BHYT hay không, thưa bà?
Ngành BHXH nói chung và BHXH TPHCM nói riêng đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người tham gia. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chuyển đổi và đồng bộ cơ sở dữ liệu cũ có sai sót, BHXH TPHCM chân thành xin lỗi đã gây phiền hà cho người tham gia BHYT. Khi người tham gia BHYT phát hiện thẻ BHYT ghi dòng chữ 5 năm chưa đúng thì có thể liên hệ với cơ quan BHXH quận - huyện gần nơi cư trú để được đổi thẻ ngay. Chúng tôi cũng sẽ chỉ đạo ngay BHXH các quận - huyện rà soát lại dữ liệu, phối hợp với ngành giáo dục để cập nhật thông tin và thời gian bắt đầu tham gia BHYT của các em học sinh cho chính xác.