Tại văn bản số 2000 gửi Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đề xuất thanh tra đối với dự án có dấu hiệu không thực hiện đúng mục đích đầu tư, vi phạm pháp luật đất đai và xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa sát với giá thị trường. Đây là việc làm cần thiết để chống thất thoát tài sản nhà nước. Tuy nhiên, việc thanh tra các dự án cũng có thời gian cần thiết, đứng dưới nhiều yếu tố để đánh giá một cách khách quan.
Xem xét nhiều dự án
Bộ Tài chính cho biết, căn cứ vào báo cáo rà soát sơ bộ của Tổng cục Thuế, tính từ ngày 1-7-2014 đến ngày 30-11-2016 có 60 trường hợp doanh nghiệp (DN) nhà nước, DN nhà nước cổ phần được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Khi cổ phần hóa DN nhà nước, nhất là những DN đang được Nhà nước cho thuê đất ở những vị trí có giá trị thương mại, việc xác định giá trị DN để cổ phần hóa đã không tính giá trị quyền sử dụng đất, không thực hiện đấu giá khi cổ phần hóa. Việc thực hiện sắp xếp lại cơ sở nhà, đất được UBND tỉnh, TP cho chuyển mục đích để xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và nhà ở để bán nhưng không thực hiện đấu giá theo quy định tại Luật Đất đai. Ngoài ra, việc xác định giá đất để thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chủ yếu dựa vào kết quả của DN tư vấn, nhưng không đầy đủ và chưa sát với giá thị trường. Bên cạnh đó, việc xác định giá đất làm căn cứ thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định. UBND tỉnh, TP phê duyệt giá đất làm căn cứ thu tiền sử dụng đất nhưng chưa xin ý kiến Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh, TP và không báo cáo HĐND tỉnh, TP tại kỳ họp gần nhất.
Để chấn chỉnh, xử lý các tồn tại trong quản lý và sử dụng đất đai, Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng Chính phủ thực hiện kế hoạch thanh tra năm 2017. Theo đó, Thanh tra Chính phủ đã có kế hoạch thanh tra đối với 60 dự án có dấu hiệu không thực hiện đúng mục đích đầu tư và vi phạm pháp luật đất đai, xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa sát với giá thị trường làm thất thu ngân sách nhà nước. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, TP tạm thời đình chỉ thi công các dự án xây dựng nhà cao tầng đang triển khai thực hiện tại trung tâm TP lớn, mà chưa thực hiện đúng thẩm quyền giao sử dụng đất không qua đấu giá, và phải tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép bán chỉ định, UBND tỉnh, TP phải thực hiện đấu giá đất sát giá thị trường. Việc xác định giá đất làm căn cứ thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, UBND tỉnh, TP chưa xin ý kiến Thường trực HĐND tỉnh, TP và chưa báo cáo HĐND tỉnh, TP trong kỳ họp gần nhất, phải thực hiện báo cáo trước khi thực hiện.
Dự án Khu phức hợp nhà ở - văn phòng có nguồn gốc đất thuộc sở hữu nhà nước, chưa được chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chủ đầu tư đã tổ chức thi công
Chấn chỉnh chủ đầu tư yếu năng lực
Tại TPHCM, Sở Xây dựng có văn bản số 5857 báo cáo UBND TP về việc rà soát các dự án đầu tư xây dựng nhà ở có sử dụng đất do Nhà nước trực tiếp quản lý. Theo báo cáo của Sở Xây dựng, kể từ ngày Nghị định 71/2013 có hiệu lực thi hành (ngày 1-9-2013), Tổ chuyên gia đã xem xét thẩm định 45 hồ sơ dự án. Thực tế cho thấy, đến nay còn nhiều dự án trong diện này vẫn còn dở dang, thậm chí có dự án mới chỉ được cơ quan chức năng thuận chủ trương đầu tư, DN chưa chuyển mục đích sử dụng đất nhưng đã nhận “đặt chỗ” của khách hàng. Cụ thể, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam được UBND TPHCM có văn bản số 3918 chấp thuận đầu tư. Mặc dù đến thời điểm này dự án chưa được chuyển mục đích sử dụng đất, nhưng trước đó chủ đầu tư đã phối hợp với một số đơn vị môi giới ký “hợp đồng đặt chỗ” của nhiều khách hàng. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn án binh bất động. Ngoài ra còn nhiều dự án khác đã được UBND TP thuận chủ trương đầu tư nhưng hiện nay chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, hoặc văn bản thuận chủ trương của UBND TP đã hết hiệu lực.
Một số dự án đã được chủ đầu tư thực hiện đầy đủ các thủ tục cũng như nghĩa vụ tài chính theo quy định, thậm chí có những dự án đang xây dựng hoặc chuẩn bị bàn giao cho khách hàng, nhưng Bộ Tài chính kiến nghị tạm ngưng thi công sẽ gây hoang mang cho chủ đầu tư cũng như khách hàng mua nhà. Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết sở phân loại từng nhóm dự án để đề xuất UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có những giải pháp phù hợp, để vừa đảm bảo quyền lợi của DN nhưng cũng phải tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật, nhằm tránh thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước. Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TPHCM Lê Hoàng Châu cho biết, sau 10 năm thực hiện Quyết định số 09/2007 của Thủ tướng Chính phủ và một số quy định liên quan về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, và Quyết định số 86/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo quy hoạch xây dựng đô thị, đã chuyển đổi mục đích sử dụng nhiều khu đất nhà xưởng thành đất ở với các dự án phát triển BĐS, hình thành nên các khu nhà cao tầng với chức năng căn hộ ở, văn phòng làm việc, các khu thương mại, dịch vụ..., góp phần chỉnh trang, phát triển đô thị. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có một số điểm chưa thống nhất, chưa chặt chẽ, dễ gây thất thoát tài sản của Nhà nước. Hiện nay có nhiều dự án đã hoàn thành, người dân sinh sống ổn định, có những dự án đang triển khai thi công, có những dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư... nên cần có giải pháp xử lý phù hợp để vừa đảm bảo quy trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất đúng pháp luật, xác định giá đất sát giá thị trường, không làm thất thu ngân sách nhà nước, đảm bảo lợi ích chính đáng của nhà đầu tư, nhất là phải tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người mua nhà.
Kiến nghị không buộc khách hàng đóng thêm tiền
Hiệp hội Bất động sản TPHCM vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, đối với khách hàng đã giao kết và thực hiện hợp đồng mua nhà tại các dự án là bên ngay tình, không có lỗi, nên không phải chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ tài chính phát sinh của chủ đầu tư dự án (nếu có). Đồng thời, cho phép các chủ đầu tư được tiếp tục triển khai thi công dự án với điều kiện chủ đầu tư dự án phải có văn bản cam kết thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh (nếu có) đối với dự án sau khi đã có kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền, để hoàn thành dự án đưa vào sử dụng, tránh lãng phí thời gian và của cải xã hội, đảm bảo quyền lợi của người mua nhà trong dự án.
Trên đây là 2 trong 4 kiến nghị của hiệp hội sau khi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính thanh tra 60 dự án BĐS thuộc diện đất công của các DN cổ phần hóa. Được biết, trong danh sách 60 dự án BĐS sẽ thanh tra, TPHCM có 13 dự án, một số dự án đang triển khai xây dựng nhà ở và bán cho khách hàng như chung cư Riva Park, số 504 Nguyễn Tất Thành, quận 4; dự án M-One Nam Sài Gòn - Masteri M-Onel, số 35/12 Bế Văn Cấm, quận 7; chung cư Res 11 tại số 205 Lạc Long Quân, quận 11…
LƯƠNG THIỆN