Nhiều bạn đọc quan tâm vấn nạn này đã gửi ý kiến tham gia diễn đàn, thảo luận, góp ý về việc rà soát chất lượng cán bộ công chức, không dung túng người yếu kém năng lực và có sai phạm.
Nhiệm vụ nêu gương của cán bộ, đảng viên
Qua kiểm tra đã xác định danh sách nhiều cán bộ có liên quan đến sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Những sai phạm này là hành vi vi phạm những điều đảng viên không được làm. Tuy nhiên, việc xử lý ở các địa phương chưa nghiêm, có người bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, có người chỉ bị yêu cầu kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm. Các cán bộ đều là trụ cột của gia đình, không thể nói rằng mình không biết, không liên can chuyện con mình được gian lận nâng điểm. Dung túng cho vợ con, anh em, thuộc cấp làm việc xấu, vi phạm pháp luật là tạo ra kẻ địch trong nhà, bỏ quên trách nhiệm nêu gương của cán bộ. Do vậy, không thể du di bỏ qua cho những cán bộ, đảng viên có liên quan đến sai phạm trong kỳ thi.
Việc tổ chức kỳ thi nhằm tạo sự công bằng trong việc chọn nhân tài cho đất nước, vậy mà thật đáng lên án khi có những cán bộ tìm cách gian lận để giành đặc lợi cho con mình, lao vào “liên minh ma quỷ” quyền - tiền, làm điên đảo nền giáo dục và đạo đức xã hội. Do vậy, việc xử lý nghiêm các cán bộ này là cần thiết. Lẽ ra, nếu có một chút sĩ diện, những cán bộ đã vi phạm, không còn uy tín thì nên từ chức. Đó cũng là thể hiện nhiệm vụ nêu gương mà người cán bộ đảng viên phải làm.
LÂM VŨ CÔNG CHÍNH, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, TPHCM
Không bỏ sót cán bộ vi phạm
Dư luận xã hội chờ các đối tượng liên quan trong vụ việc tiêu cực gian lận thi cử phải bị xử lý thật nặng để xã hội lấy lại niềm tin. Rất cần giám sát việc xử lý những cán bộ vi phạm trong vụ việc này, không bỏ sót ai, bảo đảm công khai, minh bạch tất cả các trường hợp.
Từ vụ việc gian lận thi cử này cho thấy, để ngăn chặn và đẩy lùi tiêu cực, yếu tố quan trọng bậc nhất vẫn là yếu tố con người. Song song với đó phải là các khâu thanh tra, kiểm tra, rà soát, đặc biệt là tăng cường khâu hậu kiểm, xử lý đúng người, đúng việc. Đã đến lúc phải có những giải pháp mạnh để chấn chỉnh hoạt động thi cử, giáo dục tính trung thực, tổ chức tốt việc giảng dạy, học tập và thi cử, tạo một nền nếp học tập nghiêm túc. Qua đó, toàn xã hội nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của năng lực thực sự ở mỗi cá nhân để làm người, chứ không phải nhờ vào bằng cấp có được do tiêu cực.
Trong vụ tiêu cực thi cử xảy ra ở Mỹ, các phụ huynh bị phát hiện chạy điểm cho con đã lập tức bị tống giam. Ở nước ta, những vụ việc gian lận thi cử cần phải xử lý mạnh mẽ, cương quyết hơn nữa, để người dân tin tưởng hơn vào hệ thống giáo dục và thi cử của nước nhà. Không bao che, bỏ sót cán bộ vi phạm, vì hơn ai hết cán bộ phải là những người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.
ĐẶNG XUÂN KA, phường Thanh Bình, TP Hải Dương
Cán bộ phải đáp ứng được yêu cầu công việc
Qua việc Bộ GD-ĐT thu hồi đề án “Đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020” đã bộc lộ rõ chất lượng cán bộ, công chức ở Bộ GD-ĐT đang có vấn đề. Trong số các bộ ngành của Việt Nam hiện nay, Bộ GD-ĐT là nơi tập trung nhiều nhất số người có học hàm, học vị cao. Do đó, lẽ ra Bộ GD-ĐT phải là nơi có ít sai sót nhất khi lập các đề án hay khi ban hành các văn bản liên quan đến ngành. Tuy nhiên, với đề án đổi mới thi cử nêu trên, người không phải là các chuyên gia vẫn dễ dàng phát hiện ra được những nội dung bất hợp lý, đến nỗi lãnh đạo bộ phải nhanh chóng ra quyết định thu hồi.
Không chỉ Bộ GD-ĐT, tại một số bộ ngành khác cũng có tình trạng các chuyên viên tham mưu cho lãnh đạo những đề án không ổn, thể hiện sự yếu kém về năng lực chuyên môn của cán bộ, công chức. Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã thông qua đề án về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức... Việc tăng lương là điều cần làm nhưng trước khi thực hiện đề án này, có lẽ chúng ta cần phải xem xét lại một cách toàn diện chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay. Nếu chất lượng của họ còn quá kém, thì dù có tăng lương cũng không có gì đảm bảo rằng họ sẽ làm việc hiệu quả hơn, không còn ban hành những văn bản, quy chế, quy định bất hợp lý như chúng ta đã thấy trong thời gian qua. Do đó, chúng ta cần phải rà soát lại chất lượng của đội ngũ này. Chỉ những ai đáp ứng được yêu cầu công việc, làm việc hiệu quả thì mới được ở trong bộ máy và được tăng lương phù hợp với công sức của mình.
Đồng thời với việc rà soát chất lượng của đội ngũ hiện có, chúng ta cũng cần phải thay đổi việc tuyển dụng nhân sự bộ máy hành chính theo hướng ưu tiên cho năng lực chuyên môn. Có như thế mới mong không còn những văn bản, đề án, quyết sách xa rời thực tiễn, bộc lộ nhiều khiếm khuyết như đã diễn ra.
LÊ MINH TIẾN, giảng viên Trường Đại học Mở TPHCM