Việt Nam sử lược của học giả Trần Trọng Kim ra mắt độc giả năm 1920, giữa lúc nền học thuật nước nhà chỉ có các bộ đại tác như Đại Việt sử ký toàn thư hay Khâm định Việt sử thông giám cương mục là nguồn sử liệu chính thống. Sách sử Việt Nam khi đó gần như chưa đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu của đại chúng: sách chủ yếu được viết bằng chữ Hán, lưu hành trong giới trí thức, hoàn toàn theo quan điểm phong kiến, trung với vua, lấy nhà vua và các sự kiện của các vương triều làm trung tâm.
Một số tác phẩm viết bằng quốc ngữ manh nha xuất hiện, nhưng còn rời rạc, sơ sài… Vì vậy, với phương pháp ghi chép mới mẻ, có hệ thống, cách kể lôi cuốn, và tư duy sử học tiến bộ so với đương thời, từ khi được xuất bản lần đầu cho đến tận ngày nay, Việt Nam sử lược hấp dẫn đối với những ai bắt đầu tìm hiểu về lịch sử Việt Nam.
Việt Nam sử lược - ấn bản kỷ niệm 100 năm xuất bản lần đầu cũng được bổ sung gần 60 minh họa từ các nguồn: bản in năm 1928, tranh dân gian Đông Hồ, ảnh tư liệu hiện vật bảo tàng, ảnh tư liệu của các nhiếp ảnh gia người Pháp…
Điểm nổi bật của Việt Nam sử lược là việc thoát khỏi hẳn lối chép sử biên niên theo tuyến tính thời gian đơn thuần. Không chú trọng liệt kê từng sự kiện lịch sử rời rạc như các bộ sử thời trước, Trần Trọng Kim đã phân tích, tổng hợp, chắt lọc từng dữ kiện cốt yếu và khéo léo kết nối chúng thành một vấn đề sử học có ý nghĩa, hay nói cách khác, là một vấn đề sử học “đáng ghi nhớ”.
Ở mỗi thời đại, tác giả lại nhóm thành từng vấn đề chính yếu để bàn thảo và kê cứu như việc tài chính, việc quan chế, việc võ bị, việc khoa cử..., giúp cho độc giả hình dung nhanh chóng về bối cảnh xã hội và chính trị đương thời, từ đó có thể so sánh sự khác biệt và tiến triển của xã hội Việt Nam qua các triều đại.
Việt Nam sử lược là một tác phẩm thông sử hấp dẫn, giọng văn kể chuyện lôi cuốn, thể hiện tư duy sử học tiến bộ của tác giả.