Sử dụng phần mềm, người dùng sẽ bắt đầu với bài trắc nghiệm DISC (hệ thống trắc nghiệm phổ biến trên thế giới đã được nhiều công ty, tập đoàn trong và ngoài nước sử dụng liên quan đến bố trí nhân sự).
Thông qua các câu hỏi trắc nghiệm, học sinh, sinh viên hiểu rõ hơn về khả năng của bản thân cũng như định hướng nghề nghiệp.
Từ kết quả đó, phần mềm hướng nghiệp sẽ gợi ý các ngành nghề phù hợp thông qua hình thức trình chiếu video quay trực tiếp tại các công ty, doanh nghiệp giúp học sinh hình dung rõ nét hơn về một ngày làm việc cụ thể tại các doanh nghiệp.
Tại lễ ra mắt ứng dụng, Tiến sĩ Phan Công Chính, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn chia sẻ, các doanh nghiệp thường gặp khó khăn trong khâu tuyển dụng bởi thiếu kênh thông tin rộng rãi cũng như cầu nối giúp nhà tuyển dụng và người tìm việc hiểu được nguyện vọng, nhu cầu hợp tác của đôi bên.
Từ thực tế đó, các phần mềm, ứng dụng về tư vấn và tìm kiếm việc làm chính là cầu nối giúp doanh nghiệp và học sinh, sinh viên - nguồn lao động trẻ trong bối cảnh mọi hoạt động, ngành, nghề lao động trong xã hội đẩy mạnh tương tác online do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Bên cạnh đó, phần mềm hướng nghiệp còn hỗ trợ thêm một số chức năng như tài trợ học bổng, các khóa đào tạo kỹ năng, đánh giá chất lượng ứng viên làm cơ sở cho nhà tuyển dụng lựa chọn…
Theo ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TPHCM, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”.
Trong đó, cả nước phấn đấu đến năm 2025, 100% trường THCS và THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương. Đối với các trường ở địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 80%.
Ngoài ra, đến năm 2025, 100% trường THCS và THPT trên cả nước phấn đấu có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, đảm bảo ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng.