Trung tâm được xây dựng tại lô A14, Khu công nghệ cao Đà Nẵng (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) với tổng diện tích 33.100m2, tổng vốn đầu tư 35 triệu USD.
Sau khi đi vào hoạt động, trung tâm hướng đến mục tiêu nghiên cứu khoa học và phát triển kỹ thuật, công nghệ trong các lĩnh vực thiết bị bay và các thiết bị không có người vận hành; thiết bị năng lượng Hydro; thiết bị Nano; công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI); hệ thống lọc nước; hệ thống tải điện không dây và phát triển vật liệu mới. Trung tâm cũng nghiên cứu và phát triển các thế hệ Robot, lĩnh vực công nghệ thông tin, thiết bị y tế, sản xuất mẫu (thử nghiệm)... Từ quá trình nghiên cứu, phát triển, trung tâm sẽ đầu tư sản xuất, thương mại hóa sản phẩm và công nghệ.
Dự án là sự hợp tác giữa Tập đoàn Fujikin Incoporated – Nhật Bản (DNFC) và Trường Đại học Bách khoa- Đại học Đà Nẵng từ tháng 10-2020 trong việc phối hợp nghiên cứu chung, tài trợ nghiên cứu, tuyển dụng, chuyển giao công nghệ….
Tại buổi lễ, ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, sau dịch Covid-19, TP Đà Nẵng đã và đang phục hồi tích cực trên tất cả các lĩnh vực. 9 tháng đầu năm 2022, thành phố đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 21 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 7.345 tỷ đồng, tăng 6 dự án và tăng gấp 3 lần số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, có 3.465 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký đạt 17.498 tỷ đồng. Bên cạnh nguồn lực từ các doanh nghiệp trong nước, sự tham gia của gần 1.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã chiếm tỷ lệ đáng kể trong tỷ trọng tăng trưởng kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Năm ngoái, Đà Nẵng thu ngân sách từ doanh nghiệp nước ngoài đạt gần 3.000 tỷ đồng, chiếm hơn 17% tổng thu ngân sách trên địa bàn, góp phần không nhỏ trong việc giúp thành phố thoát tăng trưởng âm do đại dịch. Điều đáng nói là ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước ngoài có mối liên hệ, hợp tác tốt với doanh nghiệp và trường đại học trong nước.
“Dự án này là một dự án tập trung nghiên cứu, phát triển (R&D) nhằm tạo ra các sản phẩm mang hàm lượng trí tuệ cao, chất lượng cao, phù hợp với ưu tiên của thành phố cho những dự án ít sử dụng tài nguyên thiên nhiên, thân thiện với môi trường và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây cũng là dự án đầu tiên đầu tư vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng chủ yếu tập trung nghiên cứu, phát triển và Trường Đại học Bách khoa là đối tác chiến lược. Tôi tin tưởng rằng kết quả của hợp tác này sẽ góp phần vào phát triển của doanh nghiệp, nhà trường và thành phố”, ông Nam cho hay.