Sau sách giấy cũng như những tác phẩm phái sinh của điện ảnh và truyền hình, những độc giả yêu mến tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh giờ đây có thể thưởng thức các tác phẩm của ông thông qua phiên bản sách nói.
Ngày 12-2 tại TPHCM, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã ký kết với Ứng dụng sách nói có bản quyền Voiz FM, chuyển thể toàn bộ tác phẩm của mình sang sách nói.
Hiện tại, đã có 17 tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh xuất hiện trên ứng dụng Voiz FM như: Mắt biếc, Chúc một ngày tốt lành, Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ, Hoa hồng xứ khác, Bong bóng lên trời…
Theo chia sẻ của anh Lê Hoàng Thạch, Giám đốc Điều hành Voiz FM, trong quý 1 năm nay, đơn vị này sẽ ra mắt đầy đủ các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh để đáp ứng nhu cầu của đông đảo bạn đọc. Và đặc biệt, tác phẩm vừa ra mắt của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng (NXB Trẻ) cũng sẽ được đơn vị này tiến hành thương lượng bản quyền và sản xuất để sớm ra mắt độc giả.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và anh Lê Hoàng Thạch, Giám đốc Điều hành Voiz FM cùng trao biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên Là tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng, nếu tìm nghe sách nói của Nguyễn Nhật Ánh trên mạng sẽ trả về hàng trăm nghìn kết quả nhưng tất cả đều không có bảo hộ bản quyền. Chính điều này đã làm thất thoát về doanh thu bản quyền nói riêng và ảnh hưởng không nhỏ đến trải nghiệm của người nghe sách vì chất lượng. Việc ký kết với Voiz FM là dấu mốc có ý nghĩa không chỉ riêng tác giả mà cả độc giả. Bởi từ lúc này, những người yêu mến tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã có thể thưởng thức sách nói một cách chính thống và chất lượng.
Hiện tại, đã có 17 tác phẩm phiên bản sách nói của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được ra mắt trên ứng dụng Voiz FM Tại lễ ký kết, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho rằng, dù với tư cách nào, nhà văn hay công dân, ông cũng đều phản đối vấn đề vi phạm bản quyền, không riêng gì sách nói mà cả sách điện tử, đặc biệt là sách giấy. Ông đã nhiều lần lên tiếng về vấn nạn này. Theo ông, những vi phạm bản quyền không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề kinh tế của đơn vị xuất bản, của cá nhân tác giả hay đơn vị phát hành mà nguy hại hơn khi làm vẩn đục môi trường văn hóa và làm xấu hình ảnh của đất nước.
“Tôi có đọc một thống kê thì Việt Nam nằm trong tốp 3 quốc gia có vi phạm bản quyền nhiều nhất trên thế giới. Gần đây, có nhiều đơn vị bắt đầu khai thác sách nói có bản quyền. Đây là một tín hiệu đáng mừng, chính vì vậy khi Voiz FM đặt vấn đề ký kết với tôi thì tôi ủng hộ liền”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bày tỏ.
Ca sĩ Phạm Đình Thái Ngân, người thể hiện tác phẩm "Mắt biếc" phiên bản sách nói chia sẻ tại chương trình. Ra mắt từ cuối năm 2019, Voiz FM hiện có hơn 1 triệu lượt tải, với khoảng 100.000 người dùng tích cực mỗi tháng. Năm 2021, ứng dụng này đã đạt mốc tăng trưởng gấp 50 lần, với kho nội dung được cho là có số lượng phong phú hàng đầu hiện nay với gần 2.000 nội dung chất lượng cao, có bản quyền.
Cùng với nhiều đơn vị, thời gian qua, Voiz FM cũng là một trong những đơn vị có nhiều nỗ lực trong vấn đề bảo vệ bản quyền. Từ khi ký kết hợp tác với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, phòng bản quyền của Voiz FM đã báo cáo để gỡ bỏ hàng ngàn nội dung sách nói vi phạm bản quyền của ông trên các trang mạng xã hội, bảo vệ quyền lợi của đối tác.
Có điều, câu chuyện này giống như “đuổi chim ngoài đồng”, hễ dẹp trang này thì lại có trang khác mọc lên. Anh Lê Hoàng Thạch thừa nhận tình trạng này, tuy nhiên, theo đại diện của Voiz FM, không phải thấy khó mà không làm vì sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề.
“Chúng tôi không có tham vọng sẽ giảm xuống còn 0%, nhưng nếu trước đây 100% thị trường sách nói đều là sách lậu thì có thể giảm xuống một tỷ lệ nào đó, mỗi ngày tỷ lệ vi phạm ít đi”, anh Thạch cho biết.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng sách cho độc giả tại chương trình Từ tháng 7-2020, Voiz FM bắt đầu tiến hành bảo vệ bản quyền, cho đến nay đã có khoảng 50.000 nội dung được gỡ bỏ, trong đó có khoảng 1/5 là tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Theo anh Thạch, những con số đó khiến những người trong cuộc không khỏi giật mình, tuy nhiên hiện nay cũng có những tín hiệu tích cực.
“Gần đây, nhiều cá nhân và nhóm thực hiện YouTube, khi đăng tải một tác phẩm lên YouTube, họ thường hỏi nhau: “Đưa cuốn sách này lên thì có vi phạm bản quyền không?”. Điều này cho thấy, ý thức về vấn đề bản quyền trong cộng đồng đã được nâng cao”, đại diện của Voiz FM bày tỏ.
HỒ SƠN