Mực tàu giấy bản là tập truyện sinh hoạt với nhân vật chính là trẻ em, đời sống và thế giới tinh thần của các em. Sau gần một thế kỷ, đọc lại những trang miêu tả chân thực, chi tiết giàu hình ảnh của nhà văn Tô Hoài là những tài liệu xác tín cho chúng ta muốn tìm hiểu về đời sống trẻ em, về giáo dục truyền thống của Việt Nam một thời chưa xa.
Được xem là nhà văn tả chân, đời sống sinh hoạt, hiện thực xã hội, con người nói chung và nhân vật trẻ em nói riêng là chủ thể sáng tác thường xuyên của Tô Hoài. Như một “thư ký” cần mẫn của hiện thực, những tác phẩm có nhân vật là trẻ em và hướng về trẻ em từ Mực tàu giấy bản đến các truyện ngắn Ghẻ đặc biệt, Nói về cái đầu tôi, U Tám… dù mức độ thể hiện và hiệu ứng nghệ thuật sáng tác khác nhau, nhưng dễ nhận thấy tình cảm trìu mến dành cho các em của Tô Hoài.
“Thế giới học đường” trước năm 1945 đặc biệt qua Mực tàu giấy bản đã được nhà văn thể hiện như thế nào? Độc giả của thế kỷ 21 thật khó mà hình dung được lớp học của những thầy đồ, chữ Hán, mực tàu, giấy bản, bút nghiên, những hình phạt trị học sinh hư, hay lớp học của trường Tây, lớp học của Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ...
Tô Hoài trước năm 1945 cũng không nằm ngoài đời sống văn chương đầu thế kỷ 20. Bên cạnh những truyện ngắn tả chân, với những truyện ngắn nhân vật chính là cô gái, Tô Hoài bỗng trở nên thi vị lạ thường rất gần với Tự lực văn đoàn. Đó là những cô học trò trong Nguyệt kể chuyện hay Lá thư rơi. Nhưng ngay cả trong các truyện ngắn mang tâm tình tiểu tư sản đó, ngòi bút hiện thực sắc lém, ưa chi tiết của Tô Hoài vẫn là một nét riêng không lẫn.
Mực tàu giấy bản được ra mắt bạn đọc đúng vào dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhà văn Tô Hoài, là một minh chứng cho thấy di sản văn học của nhà văn Tô Hoài vẫn sáng lên bằng chính giá trị cho hôm nay và mai sau.