Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư sinh năm 1920 tại xã Thanh Chi (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An). Thời kháng chiến chống Pháp ông là cộng tác viên báo Độc Lập, năm 1962 làm việc cho Ty Điền địa Phú Yên. Năm 1996 ông Nguyễn Đình Tư là ủy viên thường trực Hội đồng đặt và đổi tên đường TPHCM, là người đề xuất với hội đồng đặt cho TPHCM hai con đường Hoàng Sa và Trường Sa. Tính đến nay, ông có khoảng 60 đầu sách đã xuất bản.
Theo chia sẻ của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, lâu nay có nhiều người viết về Sài Gòn - Chợ Lớn - TPHCM nhưng mỗi người chỉ viết về một vấn đề, một mảng, chưa có tác phẩm nào viết bao quát toàn diện các khía cạnh, các lĩnh vực hoạt động của Thành phố. Với bộ sách Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: dặm dài lịch sử (1698-2020), ông muốn cung cấp cho độc giả cái nhìn bao quát, toàn diện, cụ thể các giai đoạn lịch sử, từ năm 1698 đến năm 2020, các chế độ chính trị, các lĩnh vực hoạt động về hành chính, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, tôn giáo tín ngưỡng, thể dục thể thao… của từng thời kỳ.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư bên bộ sách "Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: dặm dài lịch sử (1698-2020)" |
Bộ sách Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: dặm dài lịch sử (1698-2020) gồm 6 phần chính, được chia ra 2 tập với 2 mốc thời gian: 1698 - 1945 (tập I) và 1945 - 2020 (tập II). Phần dẫn nhập trình bày đại cương về địa lý tự nhiên của Thành phố, về thời đại tiền sử, về thời kỳ phù Nam, về thời kỳ Thủy Chân Lạp và lưu dân người Việt.
Ở phần thứ nhất, sách giới thiệu thời các chúa Nguyễn và vua nhà Nguyễn, trình bày về tình hình vùng Bình Thuận - Đồng Nai - Gia Định trước khi Nguyễn Hữu Cảnh được cử vào kinh lý miền Nam, việc đặt nền móng, các đơn vị hành chính, việc mở mang bờ cõi, tổ chức các đơn vị hành chính dưới thời các vua nhà Nguyễn, tổ chức an ninh quốc phòng, mở mang nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận tải - bưu chính, thương mại, thuế khóa, tiền tệ, hoạt động văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, thể dục, y tế, xã hội, tín ngưỡng - tôn giáo.
Phần thứ hai giới thiệu thời Pháp thuộc, trình bày về quân Pháp mở đầu cuộc xâm lược Nam Kỳ, đánh thành Gia Định, đánh đồn Phú Thọ, đánh đồn Chí Hòa; công cuộc kháng chiến của quan chức; Hòa ước Nhâm Tuất (1862); người Pháp tổ chức bộ máy cai trị, cấp quản hạt tức cấp trung ương, bộ máy cai trị thành phố Sài Gòn, thành phố Chợ Lớn, khu Sài Gòn - Chợ Lớn, cấp địa hạt sau là tỉnh, cấp quận, cấp tổng, cấp làng, tổ chức quản lý hành chính tỉnh Gia Định, tỉnh Chợ Lớn, tỉnh Tân Bình; tổ chức ngành tư pháp - quốc phòng; chính sách đối với người Hoa, chính sách về nông nghiệp, về công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, về giao thông vận tải, ngành bưu điện, về thương mại, về tài chính thuế vụ - tiền tệ - ngân hàng, về giáo dục, về văn hóa, về nghệ thuật, về y tế - thể thao - du lịch, về xã hội, về tín ngưỡng - tôn giáo; nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định tiếp tục chống Pháp.
Phần thứ ba giới thiệu giai đoạn từ ngày Nhật đảo chánh Pháp (1945-1954) đến Hiệp định Genève 1954, trình bày về cuộc đảo chánh của Nhật và cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta nổi dậy giành chính quyền tại Sài Gòn, quân Pháp tái chiếm Sài Gòn - Gia Định và cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm (1945 - 1954).
Phần thứ tư giới thiệu giai đoạn Việt Nam Cộng hòa (1954-1975), trình bày việc chính quyền Ngô Đình Diệm âm mưu chia cắt lâu dài đất nước dưới sự can thiệp của Chính phủ Mỹ, về hoạt động nông nghiệp, về tiểu thủ công nghiệp - nông nghiệp, về giao thông vận tải, về thương mại - xuất nhập khẩu - bến cảng, về tài chính - ngân hàng - tiền tệ, về văn hóa - nghệ thuật, về giáo dục, về y tế - xã hội, về tín ngưỡng - tôn giáo, về du lịch, về ngoại giao - quốc phòng; về cuộc đảo chánh lật đổ Diệm, việc chính quyền Thiệu đã làm được; việc các cấp Đảng Lao động Việt Nam lãnh đạo nhân dân Sài Gòn - Gia Định đấu tranh chống Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa dẫn tới Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng.
Phần thứ năm giới thiệu giai đoạn xây dựng Thành phố hòa bình, văn minh, hiện đại, hội nhập từ 1975-2020, trình bày về việc chính thức thành lập TPHCM, về xây dựng và phát triển nông nghiệp - chăn nuôi - ngư nghiệp, về công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, về đầu tư nước ngoài, về thương mại, về tài chính - ngân hàng - tiền tệ, về giao thông vận tải - bưu điện, về giáo dục, về các lĩnh vực văn hóa - loại hình nghệ thuật, về y tế - xã hội, về tín ngưỡng - tôn giáo, về thể dục - thể thao, về du lịch, về liên kết với các tỉnh và hội nhập quốc tế, an ninh quốc phòng.
Phần thứ 6 tập trung vào tổng luận, cùng phụ lục.